Giá vàng thế giới lùi về dưới 3.200 USD/ounce
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 118-120 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 112,5-115 triệu đồng/lượng (mua - bán), cũng giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng ngày 15/5 ở quanh 3.186 USD/ounce, giảm tiếp 61 USD so với trước đó. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 100,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới khoảng 19 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.

Giá vàng trong nước, thế giới đồng loạt giảm giá (Ảnh: Hải Long).
Giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giảm nhiệt. Tình hình chiến sự tại Trung Đông và cả Nga - Ukraine đang được các bên tăng cường đàm phán để sớm nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Trước đó, giá vàng thế giới đã tăng liên tục gần 3 tháng qua, từ 2.700 USD/ounce lên sát 3.500 USD/ounce do kỳ vọng việc Mỹ áp thuế lên các nước sẽ gây ra căng thẳng thương mại và gia tăng lạm phát. Việc các nước đang đàm phán để hạ nhiệt thuế quan với Mỹ khiến giá vàng mất đi yếu tố hỗ trợ.
Quá trình cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sắp hoàn thành. Hiện tại, khối G7 (trừ Mỹ) gần như hết dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất, do vậy giá vàng cũng mất đi yếu tố hỗ trợ.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định cắt giảm lãi suất trong thời gian tới là yếu tố quan trọng chi phối triển vọng giá vàng từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, yếu tố này cũng đã phản ánh vào giá vàng hơn một tháng qua. Chưa kể, trước đó, Fed phát tín hiệu có thể duy trì lãi suất hiện tại trong thời gian dài hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt đúng kỳ vọng. Lãi suất cao khiến vàng vốn là tài sản không sinh lời trở nên kém hấp dẫn hơn.
Các định chế tài chính, các quỹ ETF và nhà đầu tư đều gia tăng chốt lời vàng để bắt đầu cho quá trình đầu tư mới vào kim loại này ở vùng giá hấp dẫn hơn. Do vậy, khả năng giá vàng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Citigroup cho rằng giá vàng sẽ ở mức 2.250-2.300 USD/ounce trong ngắn hạn nếu Fed không có dấu hiệu nới lỏng chính sách. UBS lại dự báo giá vàng duy trì quanh ngưỡng 2.300-2.350 USD/ounce trong quý II, nhấn mạnh các đợt điều chỉnh là cơ hội mua vào nếu rủi ro địa chính trị quay trở lại.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thì cho rằng nhu cầu đầu tư vàng tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn giữ vai trò hỗ trợ trung hạn cho thị trường.
Tỷ giá USD trung tâm duy trì ở mức đỉnh
Kết thúc ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá USD trung tâm ở mức 24.973 đồng/USD, không thay đổi so với mức niêm yết hôm qua và neo ở mức cao nhất từ trước đến nay. Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 23.724-26.222 đồng/USD.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.750-26.140 đồng (mua - bán), không thay đổi so với trước đó. Ngân hàng cổ phần niêm yết tỷ giá ở mức 25.760-26.150 đồng (mua - bán).
Tại thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 26.380-26.500 đồng (mua - bán), không thay đổi so với trước đó.