Tài chính

Giá vàng chốt tuần mất hơn 2 triệu đồng/lượng

Khảo sát đầu giờ sáng nay (23/7), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 64,7 – 66,2 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều bán so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra rút ngắn xuống còn 1,5 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng SJC giảm 2,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,75 triệu đồng/lượng chiều bán.

Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội tăng 400 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều, đang niêm yết ở mức 64,4 – 66,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, giá vàng tại doanh nghiệp này đã giảm 2,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán.

Giá vàng trong nước đi lên trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá vàng cũng đang tăng khá mạnh khi đồng euro mạnh lên, gây áp lực lên đồng USD.

Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.727,3 USD/ounce, tăng 8,1 USD, tương đương 0,47% so với chốt phiên trước.

Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 49 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 15,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng chốt tuần mất hơn 2 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Biểu đồ: Kitco

Thị trường kim loại quý thế giới trong phiên giao dịch cuối của tuần tiếp tục được thúc đẩy bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm 0,34% xuống còn 106,55. Đồng USD giảm đã làm sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác quay trở lại. 

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ rạng sáng cũng giảm mạnh xuống mức 2,823%. Lợi suất giảm làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không mang lãi suất này.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Mỹ làm giảm kỳ vọng nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách ngày 26 – 27/7 sắp tới. 

Chỉ số sản lượng tổng hợp PMI của Mỹ - chỉ số theo dõi hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất mới công bố cho thấy đã giảm về 47,5, mức thấp nhất của chỉ số này trong hơn 2 năm qua. Điều này cho thấy sản lượng kinh tế đang giảm dần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm