Sáng 16.4, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố 24.899 đồng, tăng 8 đồng so với hôm qua. Ngược lại, giá USD tại Vietcombank giảm 10 đồng khi còn mua chuyển khoản 25.640 đồng, bán ra 26.000 đồng. Nếu so với mức cao trong ngày hôm qua thì giá USD tại Vietcombank giảm 80 đồng. Trong khi đó, ACB giữ nguyên giá mua chuyển khoản 25.670 đồng, bán ra 26.020 đồng… Trên thị trường tự do, giá USD giảm 20 đồng khi còn mua vào 26.010 đồng và bán ra 26.120 đồng.

Giá USD sáng 16.4 đứng trên 26.000 đồng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Một số ngoại tệ khác cũng quay đầu đi xuống. Cụ thể, Vietcombank mua chuyển khoản euro xuống 28.757 đồng, bán ra 30.030 đồng, giảm 78 đồng. Tương tự, yen Nhật cũng giảm nhẹ 0,05 đồng khi giá mua của Vietcombank xuống 176,27 đồng, bán ra 185,59 đồng. Riêng bảng Anh tăng 60 đồng khi mua vào lên 33.664 đồng, bán ra lên 34.743 đồng...
Giá USD thế giới không biến động nhiều khi chỉ số USD-Index vẫn đứng dưới 100 điểm. Đầu ngày, USD-Index đạt 99,92 điểm, tăng 0,08 điểm so với hôm qua. Đồng USD có dấu hiệu phục hồi sau đợt bán tháo mạnh tuần trước, tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng về những lo ngại tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, đồng bạc xanh từ đầu tuần đến nay gần như đi ngang ở mức thấp nhất trong 3 năm. Thị trường tài chính dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 6 sau khi tạm dừng vào tháng 1, và nhiều người cho rằng khả năng giảm lãi suất tổng cộng 1% trong năm nay. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi nhận định từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell, dự kiến sẽ phát biểu vào hôm nay để có thêm gợi ý về lộ trình lãi suất...
Theo ông Vassili Serebriakov, chiến lược gia vĩ mô tại UBS, đồng USD chủ yếu được thúc đẩy bởi dòng tài sản hơn là các động lực ngắn hạn truyền thống như chênh lệch lãi suất. Các yếu tố khiến thị trường "rời khỏi" Mỹ bao gồm sự suy thoái của nền kinh tế, sự không chắc chắn về thuế quan, sự không chắc chắn về chính sách khác của Mỹ và tâm lý được cải thiện đối với châu Âu...