Xã hội

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 3: Yêu nhau thì phải quan hệ?

Tóm tắt:
  • Trẻ vị thành niên mang thai thường sống trong gia đình không đầy đủ hoặc hoàn cảnh khó khăn.
  • Nhiều em không được dạy về giới tính và sức khỏe sinh sản, dẫn đến quan hệ tình dục sớm.
  • Khoảng 2/3 trẻ mang thai sớm đã bỏ học, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và kỹ năng bảo vệ bản thân.
  • Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, thủ phạm thường là người quen của nạn nhân.
  • Cần cải thiện giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em để giảm thiểu tình trạng mang thai sớm và xâm hại.

Vì hoàn cảnh gia đình, trẻ vị thành niên buộc phải vào đời sớm

Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại (còn gọi là mô hình Bồ Công Anh) tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) ghi nhận một trường hợp trẻ vị thành niên là bé gái sinh năm 2009, nghi ngờ bị xâm hại.

Khi tiếp xúc, nhân viên xã hội ghi nhận em đã nghỉ học sau lớp 9. Em không có cha, mẹ thì đi làm ăn xa nên từ nhỏ đã sống với bà ngoại. Sau khi nắm thông tin, nhân viên xã hội phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra vụ việc.

Một trường hợp khác là bé gái 15 tuổi, nhập viện vì bị áp xe phần phụ hai bên. Em đã nghỉ học, có bạn trai sinh năm 2004 và nói rằng hai người quan hệ tự nguyện. Gia đình của em đã báo công an.

Cũng tại mô hình, nhân viên xã hội từng ghi nhận trường hợp bé gái 16 tuổi mang thai và sinh thường. Gia đình em sống rải rác ở nhiều tỉnh khác nhau: cha mẹ ở hai nơi, hai em nhỏ của em sống ở một nơi khác, còn em thuê trọ một mình tại Long An. Em học đến lớp 7 thì nghỉ và đang làm việc tại một quán trà sữa. Em chia sẻ rằng quan hệ với bạn trai là tự nguyện và gia đình em từ chối nhờ hỗ trợ pháp lý.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Cơ sở của mô hình Bồ Công Anh ở Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM

ẢNH: T.N

Theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng, Trưởng khoa Công tác xã hội, Phó trưởng đơn vị Bồ Công Anh tại Bệnh viện Hùng Vương, cho biết có rất nhiều lý do khiến trẻ mang thai và sinh con sớm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhiều em không được cha mẹ hoặc người thân dạy về giới tính và sức khỏe sinh sản. Điều này đặc biệt phổ biến với những em sống trong gia đình thiếu vắng cha hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn, hoặc phải sống với ông bà. Trong đó, sự thiếu vắng vai trò của người mẹ, vốn là người thường gắn bó và dễ chia sẻ với con gái càng khiến các em dễ bị cuốn vào đời sống tình cảm và quan hệ tình dục sớm mà không hiểu hết hậu quả.

Nguyên nhân thứ hai là việc nghỉ học sớm. Có đến khoảng 2/3 các em mang thai sớm là những người đã bỏ học, có em nghỉ từ tiểu học, có em nghỉ khi đang học cấp hai hoặc cấp ba.

Khi còn đi học, các em ít nhiều vẫn được nhà trường cung cấp thông tin về giới tính và kỹ năng sống. Nhưng khi đã nghỉ học, các em gần như không có cơ hội tiếp cận kiến thức này. Lý do nghỉ học thường là vì gia đình khó khăn hoặc do những rối loạn trong cuộc sống gia đình.

Chương trình giáo dục giới tính chưa hiệu quả?

Theo ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, tình trạng trẻ em mang thai sớm là một vấn đề phức tạp.

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em trải qua nhiều thay đổi lớn về thể chất lẫn tâm lý. Đây là độ tuổi tò mò, thích khám phá, dễ bị tác động từ môi trường xung quanh, nhất là khi bắt đầu hình thành những rung động đầu đời và nhu cầu tìm hiểu về bản thân.

Tuy nhiên, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, các em rất dễ quan hệ tình dục sớm và không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.

“Theo thống kê, hiện có hơn 30% trẻ trong độ tuổi 13 - 17 từng quan hệ tình dục và độ tuổi lần đầu quan hệ đang ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, có khoảng 20% số ca mang thai tại Việt Nam là ở tuổi vị thành niên”, ông Bình cho biết.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Trẻ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản để bảo vệ bản thân

ẢNH MINH HỌA

Theo ông Bình, một nguyên nhân nổi bật chính là sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân. Nhiều em không được học đầy đủ hoặc tiếp cận hiệu quả với các nội dung giáo dục giới tính, thậm chí giáo viên còn e ngại, né tránh khi giảng dạy về chủ đề này.

Trẻ cũng không có kỹ năng nhận biết và tránh những hành vi xâm hại, dẫn đến dễ trở thành nạn nhân. Thêm vào đó, việc tiếp cận dịch vụ y tế và các nguồn tư vấn an toàn cho trẻ cũng còn hạn chế đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa hay trong những gia đình khó khăn.

Ông Bình cho biết xã hội hiện đại với sự tràn ngập của phim ảnh, nội dung khiêu dâm trên mạng xã hội như TikTok, Facebook khiến trẻ dễ bị “ngộ nhận” về tình dục. Các nội dung này ít khi nói đến hậu quả hay kỹ năng tự bảo vệ, khiến trẻ tiếp cận lệch lạc, xem quan hệ tình dục là điều hiển nhiên trong tình yêu mà không ý thức được trách nhiệm và rủi ro đi kèm. Nhiều em còn cho rằng “yêu nhau thì phải quan hệ”, thậm chí nếu không thì không còn là “yêu thật”.

Chưa kể, ở tuổi mới lớn, trong tâm lý so sánh với bạn bè, các em thường cảm thấy mình bị "tụt lại" nếu chưa có người yêu, chưa từng trải nghiệm những điều mà bạn bè mình đã từng, như qua đêm với người yêu hay "nếm mùi đời". Những suy nghĩ này dễ khiến các em hành động bốc đồng nếu không được định hướng đúng.

Trong khi đó, các cơ quan địa phương và tổ chức liên quan vẫn chưa thực sự làm tốt vai trò trong công tác bảo vệ và giáo dục trẻ vị thành niên. Truyền thông, tuyên truyền về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản chưa đủ sâu, chưa thường xuyên, chưa đến đúng đối tượng cần hỗ trợ. Tình trạng tảo hôn, ép hôn vẫn tồn tại ở nhiều nơi mà chưa được xử lý triệt để.

Cũng tương tự như ý kiến của ông Bình, bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết hiện nay nhiều giáo viên khi dạy về chủ đề này vẫn còn e ngại, lúng túng trong cách truyền đạt, khiến học sinh khó tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và thực tế.

Không ít em khi được hỏi có từng học giáo dục giới tính không thì trả lời là “có”, nhưng lại cho rằng bài học đó quá xa vời, không liên quan gì đến mình. Các em cảm thấy như đang nghe về một người khác chứ không phải bản thân, như đang xem một bộ phim thay vì là người trong câu chuyện. Đây là cách tiếp cận khiến trẻ trở thành người ngoài cuộc, thụ động và không nhận ra vai trò cũng như trách nhiệm với chính cơ thể mình.

Bác sĩ Nhật nhấn mạnh rằng để việc giáo dục giới tính thực sự hiệu quả, cần đặt trẻ vào vị trí chủ động, như chính các em đang “đóng vai” trong những tình huống thực tế. Chỉ khi đó, trẻ mới thấu hiểu, ghi nhớ và biết cách bảo vệ bản thân.

Vấn đề đáng báo động khác: xâm hại tình dục

Bác sĩ Phạm Quang Nhật cũng cảnh báo một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại tình dục không chỉ xảy ra với trẻ em gái mà cả trẻ em trai cũng là nạn nhân.

Theo bác sĩ Nhật, trong phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm lại chính là người quen, người mà các em tin tưởng, chẳng hạn như hàng xóm, bạn của ba mẹ, thậm chí là người thân trong nhà. Đây là những người mà trẻ không hề cảnh giác, vì nghĩ rằng họ vô hại.

“Đây là điều đặc biệt nguy hiểm, vì trẻ không biết cách tự bảo vệ mình trước những người mà lẽ ra phải là chỗ dựa an toàn”, ông Nhật cho hay.

Các báo cáo của UBND TP.HCM về công tác bảo vệ trẻ em trong những năm gần đây cho thấy đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.

Bên cạnh đó, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

Đặc biệt, nếu như trước đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động... thì thời gian gần đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

UBND TP.HCM cũng đánh giá thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm về số vụ nhưng có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô); kế đến là các hình thức khác như bạo hành thể xác (tra tấn, đánh đập); bạo hành tinh thần (hăm dọa, mắng chửi). Độ tuổi trẻ em trong các vụ bạo lực, xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16, phần lớn là trẻ em gái.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Giá vàng tăng cao nhất từ trước đến nay

Lúc 8h45 sáng nay (16/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng SJC lên mức kỷ lục mới gần 110 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn bán ra cũng tăng cao nhất từ trước tới nay, ở mức 108,9 triệu đồng/lượng.

Tổng giám đốc đường sắt kiến nghị giải quyết các thủ tục về đất và miễn tiền thuế sử dụng hơn 200.000 m2 “đất vàng” ở Gia Lâm (Hà Nội)

Đây là kiến nghị của ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức sáng ngày 15/4.