Chứng khoán

Giá trị tài sản ròng các quỹ đầu tư trái phiếu lớn giảm hơn 6.000 tỷ đồng từ đầu tháng 11, xuống mức thấp nhất trong 3 năm

Thị trường tài chính Việt Nam từ đầu năm 2022 đã trải qua nhiều sóng gió bởi các biến cố liên quan đến sai phạm trong hoạt động phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Niềm tin xuống thấp đến mức nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán bằng mọi giá để thu tiền với mức chiết khấu cao.

Theo quan sát, phần lớn các trái phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá 4-5%, cộng thêm lợi tức 10-12% đồng nghĩa người bán chấp nhận mức chiết khấu 14-17%. Các nhà đầu tư thậm chí còn sẵn sàng bán ra các CCQ đầu tư trái phiếu. Từ đầu tháng 10, hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu TCBF, DCBF, SSIBF, MBBond,...

Chỉ số giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của nhiều quỹ đầu tư trái phiếu cũng đã sụt giảm rất mạnh thời gian gần đây. Điển hình như TCBF với chỉ số NAV/CCQ tại ngày 17/11 đạt 13.671,9 đồng/CCQ, giảm 17,35% trong một tháng trở lại đây. Tương tự, NAV/CCQ của SSIBF, MBBond, VNDBF,... cũng sụt giảm tuy nhiên mức độ nhẹ nhàng hơn.

Giá trị tài sản ròng các quỹ đầu tư trái phiếu lớn giảm hơn 6.000 tỷ đồng từ đầu tháng 11, xuống mức thấp nhất trong 3 năm - Ảnh 1.

Hiện tượng rút quỹ đột ngột trên diện rộng thời gian qua cũng đã khiến giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ mở trái phiếu giảm sâu. Theo ước tính tại 10 quỹ trái phiếu lớn, tổng NAV đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 13.500 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và giảm 6.200 tỷ đồng so với cuối tháng 10. Con số này thậm chí còn giảm đến 12.300 tỷ đồng nếu so với thời điểm đầu năm nay.

Thực tế, 2 năm 2020 và 2021 trước đó là giai đoạn các quỹ mở trái phiếu thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia bởi cơ chế đầu tư linh hoạt, phù hợp với những người có quy mô đầu tư nhỏ. Đỉnh điểm là khoảng thời gian từ tháng 6-10/2021 khi tổng NAV của 10 quỹ mở trái phiếu lớn thường xuyên duy trì quanh ngưỡng 28.000-30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những biến cố từ đầu năm đã thay đổi xu hướng trên.

NAV của các quỹ mở trái phiếu bắt đầu giảm mạnh từ sau sự việc của Tân Hoàng Minh và chỉ hồi phục nhẹ trong giai đoạn tháng 5-9/2022. Xu hướng bất ngờ đảo chiều từ tháng 10 khiến tổng NAV của các quỹ mở trái phiếu rơi mạnh xuống dưới 19.700 tỷ đồng vào cuối tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhà đầu tư rút ròng mạnh trong khi giá trị huy động rất thấp, nhiều quỹ mở gần như không huy động được tiền mới trong giai đoạn này.

Giá trị tài sản ròng các quỹ đầu tư trái phiếu lớn giảm hơn 6.000 tỷ đồng từ đầu tháng 11, xuống mức thấp nhất trong 3 năm - Ảnh 2.

Hầu hết các quỹ mở trái phiếu đều bị thu hẹp quy mô từ đầu tháng 11 tuy nhiên mức độ khác nhau. TCBF vẫn dẫn đầu về quy mô với NAV vào khoảng 10.700 tỷ đồng nhưng đã giảm mạnh so với mức hơn 16.000 tỷ đồng vào cuối tháng trước. So với mức đỉnh ghi nhận cuối tháng 6/2021, quy mô của TCBF đã giảm khoảng 16.000 tỷ đồng, tương đương 60%. MBBond, SSIBF cũng bị giảm quy mô đáng kể, lần lượt 39% và 22% so với thời điểm cuối tháng 10.

Ngoài yếu tố tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau những biến cố, cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các quỹ mở trái phiếu. Mặc dù lãi suất tiết kiệm chưa thể hấp dẫn như tỷ suất sinh lời của chứng chỉ quỹ trái phiếu nhưng tiền gửi ngân hàng về cơ bản vẫn là kênh an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các quỹ đầu tư trái phiếu với đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp và nắm giữ các trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động đầu tư của các quỹ này cũng được đa dạng hóa và được thẩm định, quản trị rủi ro theo chuẩn mực chuyên nghiệp.

Vì thế, nhà đầu tư không nên hoang mang và cần cân nhắc kỹ lưỡng về chất lượng danh mục trái phiếu mà quỹ đầu tư nắm giữ trước khi ra quyết định, tránh tình trạng rút tiền bằng mọi giá gây ảnh hưởng đến chính quyền lợi của chính mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm