Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến các mặt hàng chủ lực gồm dầu mỏ, khí đốt và lúa mì tăng vọt. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt với tình trạng giá nickel tăng chóng mặt.
Alexa St. John và Nora Naughton của Insider cho rằng điều này đang gây đau đầu cho cả các công ty ô tô truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi cũng như các hãng khởi nghiệp xe điện như Lucid hay Rivian.
Ngay cả Tesla, công ty dẫn đầu ngành công nghiệp xe điện, cũng không tránh khỏi chịu ảnh hưởng. Trong tuần qua, công ty này đã 2 lần tăng giá xe điện như một động thái điều chỉnh trước thách thức về giá nguyên liệu tăng cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng. Chiếc xe rẻ nhất của hãng hiện có giá hơn 45.000 USD so với mức khoảng 38.000 USD trước đây.
Nhưng không giống hầu hết đối thủ cạnh tranh, Tesla đã chuẩn bị tốt cho sự thay đổi của thị trường nickel nhờ vào khoảng đầu tư kéo dài trong nhiều năm vào chuỗi cung ứng và chiến lược tái chế pin.
Vì sao giá nickel tăng chóng mặt?
Nickel là thành phần quan trọng để sản xuất thép không gỉ và pin lithium-ion. Việc cạn kiệt nguồn cung nickel đã được cảnh báo trong nhiều năm qua nhưng một báo cáo gần đây của công ty phân tích năng lượng Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy cho thấy ngành công nghiệp này vẫn trụ được đến năm 2024 trước khi cầu vượt cung và năm 2026 trước khi xảy ra khủng hoảng.
Giá nickel đang có những diễn biến bất thường trong tháng 3.
Sau đó, Nga bất ngờ tiến quân vào Ukraine. Nga kiểm soát 20% nguồn cung nickel chất lượng cao và 10% tổng nguồn cung nickel của thế giới. Vì thế, khi Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ngắm vào Nga, thị trường nickel lập tức sôi sục. Sản giao dịch kim loại London đã huỷ giao dịch nickel trong hơn 1 tuần do giá quá cao. Giao dịch đã được mở lại một cách hạn chế vào tuần trước.
Giá nickel cao một phần khác do việc khai thác bị hạn chế. Quá trình khai thác nickel sạch hơn so với 1 thành phần khác phổ biến trong pin xe điện là coban, nhưng nó vẫn không thân thiện với môi trường. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã phong toả một mỏ đồng và nickel ở Minnesota để bảo vệ nguồn nước và rừng ở đó khỏi bị ô nhiễm.
Mục đích cao cả của những chiếc xe điện là nhằm hạn chế phát thải carbon, tạo ra môi trường sạch hơn. Tuy nhiên, ngay từ việc khai thác nguyên liệu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đó là một thách thức lớn cho ngành công nghiệp này.
"Thuốc giảm đau" của Tesla
Chiến lược của Tesla nhằm tránh phụ thuộc vào biến động thị trường nickel đã được thực hiện trong nhiều năm. Công ty đã phát triển nguồn cung nickel độc lập thông qua quan hệ đối tác với các công ty khai thác và công ty sản xuất nickel. Họ thậm chí còn mua một mỏ nickel vào đầu năm 2021, cho phép tiếp cận trực tiếp với kim loại quý này.
Tesla cũng dành nhiều năm để phát triển loại pin 4680. Pin này vẫn được làm từ nickel nhưng được cho là có chi phí rẻ hơn trong khi vòng đời dài hơn các loại pin thông dụng hiện nay. Khi các nghiên cứu nội bộ của Tesla hoàn thiện, họ lập tức liên hệ với đối tác thân thiết là Panasonic để đem đi sản xuất hàng loạt. Panasonic mới đây đã công bố khoản đầu tư 700 triệu USD và bắt đầu sản xuất pin vào tháng 3/2024.
Elon Musk cũng cho biết Tesla đã quay lại sử dụng loại pin lithium sắt phốt phát (LFP) cho các loại xe tầm thấp vào năm 2020, đồng thời sử dụng mangan cho một số loại pin để giảm mức sử dụng nickel. Musk cho biết các bước đi này cho phép sản xuất ô tô sạch hơn, rẻ hơn và tăng sản lượng.
Cuối cùng, công ty đã khởi động một chương trình tái chế pin làm từ nickel, mang lại lợi ích cho cả chuỗi cung ứng và môi trường. Tuy nhiên, Marius Foss, Phó chủ tịch cấp cao về hệ thống năng lượng toàn cầu của Rystad Energy nói rằng cần nhiều thập kỷ nữa để các chương trình tái chế này tạo ra hiệu quả đáng kể. "Một khi pin ô tô điện được thải ra, chúng sẽ được sử dụng để lưu trữ điện trước khi đem đi tái chế. 10 năm trước, chưa đến 1% tổng số ô tô bán ra là xe điện. Đến năm 2021, ô tô điện chiếm hơn 10%", Foss cho biết.
Vị thế và sự chuẩn bị mang lại lợi thế cho Tesla
Không có công ty xe điện nào miễn nhiễm với tình trạng tăng giá nickel. Mục tiêu dài hạn của Tesla là tạo ra chiếc ô tô điện giá 25.000 USD sẽ khó khăn hơn do xung đột Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết chiến lược hướng tới tương lai của Tesla khiến hãng có vị thế tốt để tiếp tục dẫn đầu ngành công nghiệp xe điện. Foss nói rằng hơn một nửa số xe Tesla giao trong quý IV/2021 sử dụng pin LFP – điều chưa từng có ở bất cứ công ty ô tô phương Tây nào khác.
Ông nói thêm rằng cơ sở hạ tầng kinh doanh tổng thế của Tesla mang lại cho họ khả năng xoay trục và tăng tốc nhanh hơn so với "các nhà sản xuất ô tô truyền thống với hệ thống liên doanh, đại lý cồng kềnh".
Tien Wong, một nhà đầu tư công nghệ và là người sáng lập của Connectprisur, cho biết: "Trước khi xung đột nổ ra, giá nickel và sự thiếu hụt tiềm năng là mối quan tâm lớn của Elon Musk và toàn ngành EV nói chung. Xung đột nổ ra làm trầm trọng thêm những động lực này, dẫn đến giá cao hơn và giao hàng chậm hơn cho xe điện. Đối với Tesla, họ đang dẫn đầu thị trường, vì vậy tình trạng này thậm chí có thể giúp họ gia tăng khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh trong ngắn hạn".
Tham khảo: Insider