Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 mới công bố, CTCP Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico, mã HNR) cho biết sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tiêu thụ rượu bia và dự kiến tiếp tục tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt lên 75%.
Bên cạnh đó, Công ty cho biết vẫn phải đối mặt với việc cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm rượu tư nhân trốn lậu thuế cùng với rượu dân tự nấu không đảm bảo chất lượng. Mặt khác tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, phát sinh thêm chi phí cũng như sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Song song, giá các nguyên vật liệu chính phụ như chai, nút, nhãn, thùng carton, gạo,... cùng cước phí vận chuyển đều tăng mạnh từ 10% đến trên 20% làm ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất.
Trên cơ sở đó, Halico đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 113 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến âm gần 25 tỷ đồng.
Về kế hoạch sản xuất, Halico dự kiến sản xuất 1 triệu lít cồn và 2,25 triệu lít rượu các loại, bằng 97% so với mức thực hiện năm 2021. Sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 2,7 triệu lít rượu các loại, tăng 10% so với thực hiện năm 2021.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021, Halico đạt 101 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng lỗ cả năm lên đến 23,7 tỷ đồng, vẫn thấp hơn số lỗ gần 31 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020. Tính đến 31/12/2021 Halico đã lỗ lũy kế hơn 468 tỷ đồng.
Có thể thấy huyền thoại'' một thời Vodka Hà Nội (HNR) vẫn chìm trong thua lỗ triền miên và chưa có dấu hiệu hồi phục. Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch, năm 2022 sẽ là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lỗ.
Halico là một trong những nhà máy rượu lâu đời nhất của Việt Nam, được thành lập năm 1898 tại 94 Lò Đúc. Halico từng là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Công ty Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp vào thời gian đó.
Năm 2007, Halico bắt đầu cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, đến năm 2012, do số lượng cổ đông giảm xuống dưới 100 nhà đầu tư nên ngày 19.9.2012, UBCKNN đã chấp thuận chấm dứt tư cách công ty đại chúng của Halico.
Tháng 1.2018, do số lượng cổ đông của Halico có hơn 100 nhà đầu tư và đủ điều kiện là công ty đại chúng nên doanh nghiệp quay lại sàn chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này liên tiếp kinh doanh trong tình trạng thua lỗ.