Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 với nhiều biến động. Tuy nhiên, nhờ đà tăng của cổ phiếu nhóm ngân hàng giúp chỉ số VN-Index kết phiên trong sắc xanh khi ghi nhận tăng 5,81 điểm (0,57%) lên mức 1.033,75 điểm và là phiên đi lên thứ 2 liên tiếp.
Sắc xanh cũng hiện diện trên các sàn ở Hà Nội. Trong đó, bộ chỉ số HNX-Index tăng 1,93 điểm (0,92%) đạt 212,35 điểm và UPCoM-Index tăng 0,26% lên mức 76,49 điểm.
Cùng với đà phục hồi của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ghi nhận mức tăng 5,2% cùng với đà tăng của cổ phiếu nhóm ngân hàng. Với mức tăng này, VPB là một trong 3 mã cổ phiếu ghi nhận tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng 11 trong rổ chỉ số VN30 khi TPB ghi nhận tăng 5,3%, VRE tăng 6,7%.
Cùng với đà tăng mạnh của VPB, khối tài sản của gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng ghi nhận tăng thêm hơn 562 tỷ đồng.
Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm hơn 219 triệu cổ phiếu VPB, khối tài sản của Tiến sĩ 54 tuổi ghi nhận tăng thêm hơn 186 tỷ đồng. Cùng với đó, khối tài sản của bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Dũng cũng ghi nhận tăng thêm hơn 185 tỷ đồng khi bà Minh đang trực tiếp nắm giữ hơn 217,8 triệu cổ phiếu nhà băng này.
Bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng đang nắm giữ hơn 217,2 triệu cổ phiếu VPB, do đó khối tài sản của bà Quyên cũng ghi nhận tăng thêm hơn 184 tỷ đồng.
Con gái ông Dũng là bà Ngô Minh Phương đang trực tiếp nắm giữ gần 7,2 triệu cổ phiếu VPB, nhờ đó khối tài sản cũng tăng thêm hơn 6 tỷ đồng.
Với mức tăng này, ông Dũng cùng vợ và mẹ đẻ là những cá nhân ghi nhận mức tăng tài sản mạnh nhất sau phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11/2022.
Khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng và 3 người thân ghi nhận tăng thêm hơn 560 tỷ đồng trong ngày 1/11
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, khối tài sản ông Ngô Chí Dũng và 3 người thân đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 11.374 tỷ đồng. Trong đó, ông Dũng trực tiếp nắm giữ hơn 3.767 tỷ đồng, vợ ông nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 3.747 tỷ đồng, mẹ đẻ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên nắm giữ khối tài sản trị giá 3.737 tỷ đồng và con gái Ngô Minh Phương nắm giữ khối tài sản trị giá gần 124 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau hai phiên tăng điểm liên tiếp nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch ngày 2/11, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định mặc dù dòng tiền hỗ trợ hoạt động khá tích cực trong những phiên gần đây, nhưng nguồn cung vẫn đang gây sức ép và quá trình tích lũy của thị trường chưa hoàn thiện.
Dự kiến thị trường sẽ có động thái lùi bước trong phiên giao dịch tiếp theo để có thêm thời gian tích lũy.
Do vậy, nhà đầu tư tạm thời vẫn nên hạn chế mua đuổi, nhưng có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu cơ bản tốt và có mức chiết khấu tốt khi thị trường lùi bước.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn hiện hữu, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua những diễn biến rung lắc trong phiên kế tiếp nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn với vùng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.020 (+/-5) điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.035-1.040 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.045-1.050 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co với biên độ hẹp quanh đường trung bình 20 phiên của chỉ số VN-Index (tức là mức 1.040 điểm) trong phiên giao dịch 2/11. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang và dòng tiền vẫn còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi đây là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội mua ngắn hạn tiếp tục gia tăng.