Bất động sản

Giá bất động sản tăng tràn lan khắp nơi, “lãi ảo” nhưng “chôn” vốn thật

Giá đất tăng tràn lan khắp nơi

Báo cáo thị trường quý I/2022 của batdongsan.com.vn cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành.

Theo đó, tại miền Bắc, giá rao bán đất, đất nền ở miền Bắc tiếp tục tăng cao. Cụ thể, giá rao bán đất thổ cư ở Bắc Giang tăng 35%, theo sau là Hải Phòng tăng giá 29% so với trung bình năm 2021. Các tỉnh khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16 và 20%.

Còn tại Hà Nội, giá rao bán đất nền tại huyện Chương Mỹ tăng 74% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất khu vực miền Bắc, đồng thời cao nhất cả nước. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Quốc Oai tăng 26% so với năm 2021.

Giá bất động sản tăng tràn lan khắp nơi, “lãi ảo” nhưng “chôn” vốn thật - Ảnh 1.

Tại khu vực miền Trung, giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%. Bên cạnh giá bán đất nền biến động mạnh, các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%.

Khu vực miền Nam, đất nền TP.HCM sôi động ở các vùng ven. Mức độ quan tâm đất nền ở Củ Chi (TP.HCM) tăng 25%, Bình Chánh tăng 10%. Khu Đông Nam Bộ cũng xảy ra tình trạng giá đất tăng trong những tháng đầu năm. Trong khi, giá đất nền tại Đồng Nai tăng 7%, Tây Ninh tăng 12%...

Lãi “ảo” nhưng “chôn” vốn thật

Nhìn tổng quan chung thị trường, giá bất động sản dường như không có dấu hiệu chững lại mà chuyển động theo chiều hướng liên tục tăng, và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá tăng cao nhưng nghịch lý nhà đầu tư lại chật vật thoát hàng, xuất hiện tình trạng “lãi trên giấy”, tức giá chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm người mua.

Báo cáo quý I/2022 của DKRA cho biết ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021.

Thậm chí, mức hấp thụ ở thị trường nhà phố, biệt thự chỉ khoảng hơn 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021 và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, sau thời gian giá đất tăng nóng khoảng 30 - 50%, thậm chí tăng gấp 2 lần, tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, hoặc các tỉnh sốt nóng trong thời gian qua. Nếu tính toán thì người nắm giữ đất đã lãi đậm nhưng tình hình giao dịch hiện nay lại có dấu hiệu chững lại, khó tìm người người mua.

Theo anh Bắc - nhà đầu tư tại Hà Nội, lô đất anh mua tại Bắc Giang suốt từ đầu năm 2021 vẫn đang nằm “án binh bất động”, chưa bán được. Mặc dù môi giới ở khu vực này liên tục tung ra các thông tin “sốt đất”, mua bán nhanh chóng.

“Từ năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Bắc Giang mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán. Chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 21 triệu đồng/m2, tổng hơn 3,1 tỷ đồng”, anh Bắc nói.

Đến đầu năm 2022, thấy môi giới tại khu vực này tiếp tục đồn thổi “sốt đất”, tranh thủ “ăn theo” bán lô đất đang nắm giữ. Nhưng đến nay đã gần 4 tháng, chỉ có 2 người thiện chí đến tận nơi xem đất, còn lại người ta chỉ hỏi để biết giá mà không có nhu cầu mua thực. Trong khi đó, mảnh đất của anh Bắc còn được bán thấp hơn so với thị trường.

“Trước khi rao bán tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được 27 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Dựa vào mức giá này tôi rao bán 26 triệu đồng/m2 để có thể nhanh chóng chốt. Tuy nhiên, mãi vẫn chưa thể bán được mảnh đất nắm giữ. Cứ bảo sốt đất lắm, giá tăng mạnh thì làm gì có chuyện khó bán”, anh Bắc thắc mắc.

Giá bất động sản tăng tràn lan khắp nơi, “lãi ảo” nhưng “chôn” vốn thật - Ảnh 2.

Nhiều môi giới bất động sản cho biết, bất động sản nhiều nơi giá tăng cao trong thời gian qua, không chỉ có đất nền mà phân khúc biệt thự, liền kề cũng tăng chóng mặt thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường giao dịch mua thực rất ít, trong khi người hỏi thì nhiều.

Chuyên gia bất động sản cho rằng, nhiều nhà đầu tư đã bị "mắc kẹt" do mua đất vào các đợt sốt nóng, trong khi sự phát triển hạ tầng, dịch vụ chưa theo kịp. Giá nhà đất chào bán cao nhưng không dễ bán đang làm khó chính các chủ đầu tư dự án dự định tung hàng trong năm nay. Thực tế, một số dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng không dễ tìm người mua.

Thị trường bất động sản hiện nay đang cho thấy, bên cạnh lý do nguồn cung sụt giảm đáng kể, mức giá cao là điều đáng lo ngại với những người mua nhà. Có nhiều gia đình dành dụm được 1,5 tỷ đồng, nghĩ rằng sẽ mua được căn hộ xa trung tâm nhưng giá thực tế ở đây đã tăng lên 2 hoặc 2,5 tỷ đồng. Giá đất tăng quá cao như hiện nay khiến cho phần lớn người lao động, người có thu nhập mức trung không thể mua nhà.

Nhìn nhận về thị trường bất động sản thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá:” Giá bất động sản liên tục tăng, trong đó nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi”.

Tuy nhiên, nghịch lý xuất hiện khi giá đất tại nhiều nơi do đầu cơ thổi giá liên tục leo thang, bỏ qua rất xa khả năng chi trả của đại đa số người có nhu cầu thực. Theo đó, xảy ra hiện tượng “lãi ảo”, giá tăng chỉ là truyền miệng còn thực tế giao dịch lại rất ít.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.

Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh:

Thứ nhất là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản.

Thứ hai, cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề