Nhân viên Google vừa gửi một bức thư tới CEO Sundar Pichai nhằm mục đích yêu cầu công ty hợp lý hóa kế hoạch sa thải hàng loạt. Những người này muốn Google xem xét đóng băng tuyển dụng mới, ưu tiên những lao động bị sa thải cho các vị trí tuyển dụng, đồng thời để họ kết thúc thời gian nghỉ phép đúng như quy định.
Bức thư có chữ ký của hơn 1.400 nhân viên, nhấn mạnh tình trạng sa thải trên toàn cầu: “Không có nơi nào tiếng nói của nhân viên được xem xét thỏa đáng. Chúng tôi biết, với tư cách là những nhân viên, chúng tôi sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ”.
Động thái trên được đưa ra sau khi Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet, công ty mẹ Google, gửi email vào ngày 20/1 thông báo về kế hoạch cắt giảm khoảng 12.000 việc làm. Ông cho biết mình sẽ “chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định nói trên”.
Nhiều nhân viên Google đã chia sẻ câu chuyện của mình sau khi bị sa thải. Người mất việc khi đang trong thời gian nghỉ phép chăm sóc mẹ ốm. Người bàng hoàng không dám tin vì cả vợ/chồng mình bị sa thải cùng một lúc. Những nhân viên may mắn được ở lại đã khóc vì vui mừng.
Dưới đây là chi tiết bức thư:
Chủ nhật,
Quyết định cắt giảm lực lượng lao động của Alphabet có tác động toàn cầu. Không có nơi nào tiếng nói của công nhân được xem xét thỏa đáng. Chúng tôi biết, với tư cách là nhân viên, chúng tôi sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ. Chúng tôi muốn được thấu hiểu.
Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các cam kết sau đây của Google:
1) Đóng băng tuyển dụng mới trong suốt quá trình sa thải. Thăm dò ý kiến của các nhân viên tình nguyện cắt giảm thời gian làm việc trước khi đưa ra yêu cầu sa thải bắt buộc.
2) Ưu tiên tái tuyển dụng đối với bất kỳ nhân viên nào bị sa thải gần đây. Ưu tiên phương án thuyên chuyển nội bộ, tuyển dụng mà không cần phỏng vấn, đồng thời thỏa thuận đôi bên công bằng.
3) Bảo vệ nhân viên khỏi các quốc gia đang có xung đột địa chính trị, không chấm dứt hợp đồng lao động nếu điều đó ảnh hưởng xấu đến thị thực người lao động. Hỗ trợ nhân viên có nguy cơ bị mất giấy phép cư trú, giúp họ tìm kiếm việc làm.
4) Tôn trọng các kỳ nghỉ theo lịch trình (thai sản, nuôi con nhỏ, chăm sóc người ốm…) và không thông báo sa thải cho đến khi hết thời gian nghỉ phép. Nhân viên phải được thông báo trực tiếp và có cơ hội nói lời tạm biệt với đồng nghiệp.
5) Đảm bảo không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi tác, tôn giáo, khuyết tật…
Chúng tôi mong ông, Sundar Pichai và Alphabet sẽ thực hiện những cam kết công khai quan trọng này. Alphabet từ lâu đã tuyên bố sẽ đối xử tốt với người dùng và nhân viên của mình và vì vậy, những cam kết trên sẽ cho thấy công ty đang tuân thủ điều khoản cuối cùng trong Quy tắc ứng xử: Không trở nên xấu xa.
Chúng tôi biết điều này nằm trong khả năng của công ty!
Trước đó, Google đã thực hiện đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn với 12.000 nhân viên, tương đương khoảng 6% lực lượng lao động. Quyết định được đưa ra sau vài ngày Microsoft tuyên bố sa thải 10.000 nhân sự.
Trong rất nhiều nhân sự bị cắt hợp đồng đột ngột, nổi bật nhất phải kể đến cặp vợ chồng Allie và Steve có đứa con 4 tháng tuổi. Được biết họ đã làm việc cho công ty trong nhiều năm, đồng thời giữ chức vụ cao trong Google: Allie là giám đốc marketing tại Google, trong khi chồng là giám đốc điều hành nghiên cứu.
Sau khi nhận chế độ nghỉ phép hào phóng dành cho các cha mẹ, cặp vợ chồng này chưa kịp mừng đã phát hiện ra tên mình thuộc danh sách cắt giảm nhân sự. Bất ngờ, song đôi vợ chồng nhanh chóng sốc lại tinh thần. Với Allie, tin dữ vừa qua lại là cơ hội tốt để cả hai tập trung phát triển công việc kinh doanh riêng. “Đây là cú hích mà chúng tôi cần”, Allie nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có nghề tay trái như vợ chồng Allie. Katherine Wong, đang mang thai 34 tuần và chuẩn bị nghỉ thai sản, thì phát hiện mình bị sa thải.
“Tôi xin nghỉ phép sớm và cố gắng bàn giao công việc, tài liệu đầy đủ trước khi rời công ty. Chỉ còn 1 tuần nữa là nghỉ thai sản, tôi hạnh phúc vô cùng vì sắp được gặp con. Nhưng rồi tim tôi thắt lại khi nhận tin dữ. Tôi là một trong số 12.000 người trong làn sóng sa thải”, cô kể lại.
“Suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là ‘Tại sao lại là tôi? Tại sao lại xảy ra lúc này?’. Thật khó để tin bởi trước đó, năng lực của tôi được đánh giá tốt”, Wong nói.
Trong khi đó, Justin Moore, một kỹ sư làm việc cho công ty trong 16 năm, phát hiện mình bị sa thải sau khi nhận ra tài khoản đã bị vô hiệu hóa. Được biết, anh gia nhập Google năm 2006 với tư cách là kỹ sư phần mềm cấp cao, sau đó thăng tiến lên vị trí quản lý kỹ thuật phần mềm vào năm 2019.
“Điều này khiến bạn hiểu công việc không phải cuộc sống và các nhà tuyển dụng, đặc biệt ở những công ty lớn, có thể chỉ coi bạn như món đồ dùng một lần”, Justin Moore nói.
Theo: BI