Trong ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục hút thêm 20.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 0,65%/năm. Ngày đáo hạn của lô tín phiếu trên là 25/10/2023.
Như vậy, trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút gần 70.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu ngày 27/9 vẫn cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm (đạt 0,17%/năm vào ngày 25/9).
Tuy nhiên, lãi suất trúng thầu hôm nay đã cao hơn so với những phiên trước đó. Đồng thời, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia đấu thầu là 12, số lượng trúng thầu là 9. Đây là những dấu hiệu cho thấy mức độ dư thừa thanh khoản đã hạ bớt.
Trước đó, nhà điều hành đã đấu thầu tổng cộng 49.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày trong 4 ngày liên tiếp. Kể từ ngày 22/9, lãi suất trúng thầu đã tăng nhẹ sau từng phiên. Đồng thời, sau khi NHNN có động thái phát hành tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và những lãi suất kỳ hạn ngắn đều bắt đầu có xu hướng nhích lên.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, động thái trên không đồng nghĩa với sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ. Đồng thời, hiệu quả của hoạt động can thiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của chỉ số USD Index (DXY).
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FIDT Research đã đưa ra hai kịch bản để NHNN hút tiền. Cụ thể, ở kịch bản đầu tiên, NHNN hút 70.000 – 100.000 tỷ đồng, trung bình 10.000 tỷ đồng/ngày, kéo dài trong 2 tuần..
Tại kịch bản 2, mức hút thanh khoản dự kiến tiệm cận 130.000 - 140.000 tỷ đồng với tốc độ nhanh hơn, khi áp lực ngoại hối trong ngắn hạn tăng mạnh. Có thể NHNN sẽ kết hợp vừa tăng tốc độ hút vừa tăng kỳ hạn hút để đạt hiệu quả phòng ngừa biến động tỷ giá, nhưng xác suất kịch bản này không cao.
Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp NHNN sẽ điều chỉnh mức độ hút thanh khoản tăng lên 20.000 tỷ/ngày, kỳ hạn 2 tháng trở lên, thay vì 1 tháng như hiện tại.