Chứng khoán

“Gã khổng lồ” ngành hàng không vừa có thêm 2 tỷ USD vốn hóa từ đầu năm, giá trị vượt Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk và nhiều ngân hàng

ACV:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Nhắc đến nhóm doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, không thể không kể đến Cảng hàng không (ACV) – "gã khổng lồ" ngành hàng không đang giao dịch trên UPCoM. Từ đầu 2024 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 30% qua đó leo lên vùng giá cao nhất trong vòng 15 tháng kể từ đầu tháng 12/2022.

photo-1709541566753

Giá trị vốn hóa của ACV cũng theo đó tăng thêm gần 44.000 tỷ (~2 tỷ USD), lên trên 188.000 tỷ đồng (~7,7 tỷ USD). Con số này vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại trên UPCoM, gần gấp đôi vốn hóa của Viettel Global (VGI), Masan Consumer (MCH) và gấp hơn 3 lần giá trị của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), VEAM (VEA),…

Đà tăng mạnh từ đầu năm đưa ACV "chễm chệ" ở vị trí thứ 5 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất toàn sàn chứng khoán, đứng trên hàng loạt cái tên "đình đám" như Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk, VPBank, Techcombank,… Mức vốn hóa của ACV hiện chỉ kém "Big 3" ngành ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Vinhomes.

photo-1709541583567

ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.

Gần 2,18 tỷ cổ phiếu ACV chính thức lên giao dịch trên UPCoM ngày 21/11/2016 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cp, tương ứng định giá ban đầu khoảng 54.400 tỷ đồng (~2,3 tỷ USD). Sau hơn 7 năm thăng trầm trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của "ông trùm" cảng hàng không đã tăng gấp 3 lần.

"Gã khổng lồ" nắm 22 sân bay

ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

Tổng công ty hiện có 2 công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM). Ngoài ra, ACV còn có 10 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều cái tên trên sàn chứng khoán như Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – mã SAS), Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS – mã SGN), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS),…

Sau khi lên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của ACV liên tục được cải thiện với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua từng năm trước khi Covid-19 xuất hiện. Sau giai đoạn 2020-2021 khó khăn, ACV đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại sau khi đại dịch được đẩy lùi và nền kinh tế bước vào pha hồi phục.

photo-1709541601460

Trong năm 2023, ACV phục vụ 113,5 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu lượt khách, tăng 173%; Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1,2 triệu tấn; Tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến. Nhờ đó, doanh thu đạt kỷ lục trên 20.000 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 21% so với năm 2022, đạt gần 8.600 tỷ đồng, cao nhất ACV từng đạt được kể từ khi hoạt động.

Tiếp tục "cất cánh"

Năm 2024, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục. Lượng hành khách quốc tế theo giả định trong kịch bản cơ sở của SSI Research, sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 ở quý 4/2024 trong khi lượng hành khách nội địa dự kiến sẽ đi ngang.

Theo IATA, ngành hàng không khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất với tốc độ 4,5%/năm đến năm 2050 xét về lượng hành khách và Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Sự hồi phục của ngành hàng không sẽ là điểm tựa để ACV có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. Bên cạnh đó, việc sửa đổi nghị định 91/2015 sắp tới sẽ cho phép ACV trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cho phép ACV có đủ vốn đối ứng cho các dự án mở rộng lớn qua đó trở thành chất xúc tác tốt cho cổ phiếu.

Hiện nay, ACV đang là chủ đầu tư của nhiều dự án hàng không, với tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai hơn 133.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về Dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện các hạng mục của Dự án bám sát kế hoạch, đáp ứng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Chứng khoán DSC đánh giá đây là câu chuyện kỳ vọng dài hạn của ACV. Với thời gian hoàn thành dự kiến trong 4 năm, giai đoạn 2024-2027 sẽ là giai đoạn ACV dồn lực về vốn. Dự kiến vốn đầu tư xây dựng cơ bản rơi vào mức 4,2 tỷ USD, gấp hơn 2 lần dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Về Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đã khởi công gói thầu số 12 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3" với giá trị hợp đồng 9.034 tỷ đồng vào ngày 31/08/2023. "Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản được giải quyết, tình hình thi công đảm bảo tiến độ và theo đúng kế hoạch, việc kết thúc thi công phần móng cọc phù hợp với thời gian thực hiện gói thầu số 12", đại diện ACV cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm