Ngày 5/2, FPT Software nhận giấy phép đầu tư triển khai dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ (Tổ hợp công nghệ) tại thung lũng Quy Hòa, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tại hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị diễn ra tại Quy Nhơn.
Theo đó, Trung tâm công nghệ tại Quy Nhơn có tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, với quy mô rộng 15,25 ha. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công giai đoạn 1 trong quý III/2023. Theo FPT Software, tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi cung ứng các dịch vụ công nghệ cao, dựa trên các công nghệ là xu hướng thế giới như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, tự động hóa ... Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cũng như thúc đẩy công nghệ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, FPT Software cũng đề xuất xây dựng cổng chào đại lộ khoa học nằm ngoài ranh giới của dự án. Vị trí cổng chào nằm trên đường Đại lộ khoa học làm điểm nhấn cho toàn bộ Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa.
Theo đại diện Tập đoàn FPT, Bình Định thu hút nhà đầu tư do hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc hạ tầng khu công nghiệp, giao thông được đầu tư đồng bộ. Do đó, tập đoàn này có khát vọng đưa Bình Định trở thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới.
Năm 2021, Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025. "Đây là những dấu mốc quan trọng để chúng tôi hiện thực hóa khát vọng này", đại diện FPT cho hay.
Trước đó, FPT cũng đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu AI Mila trong vòng 3 năm (2020-2023). Mục tiêu của hai bên sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu AI tại Quy Nhơn. Dự án này có quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. Các công trình thuộc dự án gồm: Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm và các công trình phụ trợ khác.
Trong lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học FPT cũng đã mở phân hiệu tại Bình Định đào tạo các cấp đại học, sau đại học, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học tập, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của khoảng 5.000 sinh viên.
Năm 2022, FPT Software ghi nhận doanh thu 801 triệu USD, với 27.000 nhân viên làm việc tại 29 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, công ty đã xây dựng 3 campus lớn với sức chứa lên tới hàng chục nghìn người tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Năm qua, doanh nghiệp đạt dấu mốc sở hữu bằng sáng chế đầu tiên trên mảng học máy do Mỹ chứng nhận.
Hiện tại, FPT Software thành lập chi nhánh tại Quy Nhơn và phát triển lên đến quy mô hơn 550 nhân sự, thu hút hơn 20 doanh nghiệp là tập đoàn lớn trên thế giới đến thăm cũng như triển khai dự án với công ty. Dự kiến quy mô nhân sự tại Quy Nhơn sẽ đạt con số 3.000 người vào năm 2025.
Năm 2022, chương trình AI Hackathon (AI4VN) do FPT Software kết hợp tổ chức trên phạm vi toàn quốc đã nhận được hàng ngàn bài dự thi gửi về, giải quyết bài toán thực tế về việc ứng dụng AI nâng tầm trải nghiệm du lịch tại thành phố Quy Nhơn.
Song song đó, FPT Software đã hợp tác chiến lược với Landing AI (Mỹ) triển khai giải pháp LandingLens giúp kiểm định thông minh bằng hình ảnh trong các ngành công nghiệp, nhà máy sản xuất; chương trình AI Residency kết hợp với Viện AI Mila (Canada) giúp doanh nghiệp có nhiều nhân sự nhận đào tạo, rèn luyện chuyên sâu tại viện này; đồng thời có nhiều nghiên cứu lọt vào các hội nghị, hội thảo trên thế giới.