Sau phiên đầu tuần đầy sóng gió, thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh mẽ nhờ lực kéo đến từ các Bluechips trong đó nổi bật là FPT. Cổ phiếu này tăng gần 5% lên mức 102.800 đồng/cổ phiếu cùng thành khoản bùng nổ với khối lượng giao dịch hơn 4 triệu đơn vị chỉ trong phiên sáng, gấp 2,8 lần bình quân 3 tháng trở lại đây.
Nhờ đó, FPT đã chính thức vượt qua đỉnh cũ (ngày 25/11) và trở lại câu lạc bộ 100 (thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu). Vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt hơn 93.000 tỷ đồng, tăng 16% trong 2 tháng và cao hơn 56% so với thời điểm cách đây 1 năm. Với đặc thù có yếu tố công nghệ khan hiếm trên sàn, FPT vẫn cho thấy sức hút đáng kể đối với nhà đầu tư trong nước cũng các quỹ ngoại.
Cổ phiếu FPT bứt phá vượt đỉnh
Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ tích cực đến từ các yếu tố cơ bản với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. 2 tháng đầu năm 2022, FPT ước tính doanh thu đạt 6.102 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.102 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2 tháng đầu năm đạt 756 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ và đạt 106% kế hoạch.
Dựa trên kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm, Chứng khoán Agriseco kỳ vọng lợi nhuận quý 1/2022 của FPT có thể tiếp tục tăng 20%. Mảng công nghệ đóng góp chính vào doanh thu từ các hợp đồng ký mới. Việc các thị trường nước ngoài phục hồi với nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, Agriseco kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục ghi nhận các hợp đồng ký mới với tốc độ tăng trưởng hơn 30%, đóng góp đà tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2022.
Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
Năm 2022, FPT tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số với kế hoạch doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 7.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021.
Trong đó, khối công nghệ tiếp tục đóng góp lớn nhất với 24.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,1% và 3.360 tỷ đồng LNTT, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Khối viễn thông dự kiến mang về 14.560 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,8% và 2.812 tỷ đồng LNTT, tăng 17,4%. Khối giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đóng góp 2.960 tỷ đồng doanh thu và 1.446 tỷ đồng LNTT, lần lượt tăng 32,5% và 28,4% so với năm 2021.
Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), với lợi thế quy mô cùng với sự chuẩn bị đầu tư vào hạ tầng và nhân lực, FPT có rất nhiều lợi thế trong ngành công nghệ Việt Nam và có nhiều triển vọng trong tương lai cùng với chiến lược mở rộng ở thị trường nước ngoài.
Trong ngắn hạn, FPT có nhiều triển vọng tích cực nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng của mảng tư vấn CNTT nội địa. FPT đang tích cực tư vấn giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các tỉnh miền Trung Việt Nam (Khánh Hòa, Phú Yên…). Doanh thu và lợi nhuận mảng này được kỳ vọng tăng trưởng 50% trong năm 2022 và 30% trong 3 năm kế tiếp.
Theo ban lãnh đạo của FPT, việc áp dụng điện toán đám mây trong các cơ quan chính phủ chỉ mới đạt 10% trong khi 70% doanh nghiệp nội địa đang chuyển dần sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào Mỹ (thị trường tăng trưởng đến 52% trong năm 2021) để phát triển mảng Xuất khẩu phần mềm (XKPM).
Ngoài ra, mảng giáo dục cũng đang có mức tăng trưởng nhanh chóng do nhu cầu về ngành CNTT cao sau khi ra trường. Cơ hội việc làm hấp dẫn sau khi tốt nghiệp vẫn tiếp tục. Số lượng học sinh đăng ký mới trong năm 2021 tăng 43% so với năm trước.