Tài chính

Forbes: Mỹ là "ông già Noel hào phóng" vì đã tặng cho Trung Quốc 3 món quà Giáng sinh này

Trong một bài bình luận được đăng tải trên báo Forbes, bà Diana Furchtgott-Roth, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Môi trường của Quỹ Heritage đã phân tích về 3 chính sách kinh tế của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc được hưởng lợi. Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết này.

---

Giáng sinh đang đến gần, và Bắc Kinh nên cảm ơn Mỹ vì 3 món quà là những chính sách khiến người Mỹ phải chịu chi phí cao hơn và nền kinh tế Mỹ suy yếu hơn, nhưng nền kinh tế của Trung Quốc lại được hưởng lợi. Mỹ đúng là "ông già Noel hào phóng" của Trung Quốc.

Món quà số 1: Ắc-quy xe điện

Ủy ban Tài nguyên Hàng không California đã ban hành quy định rằng tất cả các phương tiện mới được bán ở bang này phải là loại xe lai (plug-in hybrid) có động cơ điện và động cơ đốt trong, hoặc hoàn toàn chạy bằng ắc-quy vào năm 2035.

Tại Washington, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp hướng đến mục tiêu là 50% doanh số bán xe mới của Mỹ vào năm 2030 là xe điện, đồng thời chỉ thị người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) "phối hợp các hoạt động" của cơ quan này với Bang Califormia.

Trong khi Mỹ là quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên sản xuất trong nước, thì những quy tắc và sắc lệnh hành pháp nói trên đã đánh đổi an ninh năng lượng của nước này với sự phụ thuộc vào ắc quy xe điện do Trung Quốc sản xuất. Mỹ không thể sản xuất mặt hàng này với chi phí thấp hơn Trung Quốc.

Hơn nữa, xe điện cũng đắt hơn các loại xe xăng tương đương, do đó các đơn đặt hàng từ Nhà Trắng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển của người Mỹ, và khiến nền kinh tế của Mỹ suy yếu thêm. Chi phí cho ô tô tăng lên cũng đồng nghĩa với việc số tiền chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ khác giảm xuống.

Món quà số 2: Tập trung vào biến đổi khí hậu

Trong năm qua, các cơ quan thuộc nhánh Hành pháp của Mỹ đã viện dẫn lý do biến đổi khí hậu để giải thích cho việc sản xuất và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Mỹ đang chậm lại, đồng thời khuyến khích sử dụng tua-bin gió và các tấm pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc.

Điều này khiến hóa đơn tiền điện của người Mỹ tăng lên, và một lần nữa, chính Trung Quốc là bên được hưởng lợi. 7 trong số 10 nhà sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió hàng đầu là của Trung Quốc.

Forbes: Mỹ là ông già Noel hào phóng vì đã tặng cho Trung Quốc 3 món quà Giáng sinh này - Ảnh 1.

Sau đây là những chính sách của Mỹ liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu:

Chính quyền Mỹ ngăn cản đầu tư vào dầu mỏ, khí đốt và than đá vì cho rằng những khoản đầu tư như vậy tác động xấu đến môi trường. Các công ty sản xuất phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn để mở rộng, vì họ phải trả mức lãi suất vay cao hơn.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đang ưu tiên các sáng kiến khí hậu như tài trợ cho xe điện, trạm sạc và phương tiện giao thông chạy bằng điện, cũng như xây làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.

Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đang chậm trễ trong việc phê duyệt các đường ống mới để vận chuyển dầu và khí đốt trong nội địa (phục vụ người tiêu dùng) và đến các bờ biển, nơi dầu được đưa đi xuất khẩu.

Bộ Nội vụ giảm số lượng và tăng giá trị các hợp đồng cho thuê khai thác dầu khí, cùng với đó là áp dụng quy trình đấu thầu phức tạp hơn để sàng lọc người mua.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ Gary Gensler đã đề xuất các quy tắc yêu cầu các công ty tư nhân tiết lộ thông tin về quản trị và quản lý các rủi ro liên quan đến khí hậu.

Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ, cơ quan quản lý các ngân hàng của Mỹ, đã bổ nhiệm một vị trí Giám đốc Rủi ro Khí hậu mới để giám sát các rủi ro do khí hậu đối với các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ không được khuyến khích cho các công ty dầu khí vay khoản vay "rủi ro" - làm giảm nguồn vốn khả dụng để phát triển tài nguyên.

Món quà số 3: Phong trào Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)

Được dẫn dắt bởi công ty đầu tư BlackRock và Quỹ State Street Global Advisors (SSGA), các tổ chức tài chính lớn này đang gây áp lực buộc các tổ chức phát triển quốc tế, các tập đoàn tư nhân và quỹ hưu trí không đầu tư vào nhiên liệu truyền thống.

Điều này khiến nước Mỹ suy yếu, khi Mỹ vốn quốc gia sản xuất những loại nhiên liệu này, và vô tình giúp Trung Quốc - quốc gia sản xuất tua-bin gió và tấm pin mặt trời bằng các nhà máy nhiệt điện than - được hưởng lợi.

Khi đi theo phong trào ESG, Mỹ đang từ bỏ sức mạnh địa chính trị ở nước ngoài cũng như sức mạnh kinh tế trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc đang tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển mà các tổ chức của Mỹ từ chối tài trợ.

Một số người có thể viện lý do thế giới sẽ được hưởng lợi khi Mỹ giảm lượng khí thải carbon để biện minh cho những "món quà dành cho Trung Quốc" này. Nhưng Trung Quốc đang sản xuất tua-bin gió, pin mặt trời và ắc-quy bằng than đá, làm tăng lượng khí thải toàn cầu.

Mỹ có 225 nhà máy nhiệt điện than và Trung Quốc có 1.118 (tương đương một nửa số nhà máy nhiệt điện than trên thế giới). Kể từ năm 2010, Mỹ đã giảm sản lượng điện than còn 100.000 megawatt; Trung Quốc đã tăng lên 580.000 megawatt.

Từ năm 2005-2020, Mỹ đã cắt giảm còn 970 triệu tấn khí thải CO2, trong khi lượng khí thải CO2 của Trung Quốc tăng lên 4.689 triệu tấn.

Khi Mỹ "tặng quà" cho Trung Quốc vào dịp Giáng sinh năm nay, người Mỹ phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn, chi phí điện cao hơn và mất việc làm. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi vào năm tới, khi Quốc hội mới được bầu lại của Mỹ có thể sẽ xem xét lại sự hào phóng của mình dành cho Bắc Kinh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm