Kể từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định sau 2 năm phát triển chậm vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Số lượng dự án, nguồn cung các sản phẩm bất động sản như căn hộ, du lịch nghỉ dưỡng đều đang tăng so với 2 năm trước đó. Mặc dù vậy nhưng nguồn cung hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Một trong những điểm sáng được chú ý của thị trường là nguồn vốn FDI đầu tư mạnh vào bất động sản. Cụ thể, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỉ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong đó, riêng vốn FDI rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỉ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỉ USD mà ngành bất động sản thu hút được của 8 tháng năm 2021
Mặc dù vốn FDI vào bất động sản vẫn mạnh, tuy nhiên, thời gian gần đây hầu như không có mặt các nhà đầu tư nước ngoài mới. Các dự án bất động sản có vốn đầu tư ngoại đều từ các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam từ lâu. Do đó, một số quan điểm cho rằng, đây là tín hiệu thị trường bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital.
Phản bác những ý kiến trên, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết, không phải bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, mà trên thực tế, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn còn, nhưng phải tính đến sự vươn lên, thống trị của các nhà phát triển dự án trong nước nhiều, khiến giá trị đầu tư vào Việt Nam không còn lớn như trước đây.
Ông Michael Piro cho rằng, đầu tư bất động sản ở Việt Nam khác với các thị trường khác, và với các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì mở công ty riêng, đầu tư trực tiếp, nhiều nhà đầu tư chọn cách gián tiếp.
Ngoài ra, thay vì hiện diện trực tiếp, nhiều nhà đầu tư mong muốn chuyển vốn qua các quỹ hoặc qua các nhà đầu tư đã có sẵn trong thị trường.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, dòng tiền FDI vào Việt nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Thành, Việt Nam là một trong những đất nước phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Đây là một trong những ưu điểm lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
“Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực”, chuyên gia của Savills nói.
Trước đón, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, có nhiều lực đẩy chính cho thị trường trong thời gian tới, bao gồm hàng loạt chính sách hỗ trợ về pháp lý bất động sản, dòng vốn FDI dồi dào đổ vào Việt Nam, nhu cầu nhà ở tăng cao và chủ trương đẩy mạnh đầu tư công.
"Năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản ở tất cả các phân khúc. Nguồn tiền này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và nhóm nhà đầu tư cá nhân", vị này dự báo.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết, do nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án. Điều này dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định không có chuyện siết vốn bất động sản nhưng trên thực tế nhiều người có nhu cầu mua nhà rất khó vay, nhiều doanh nghiệp cũng không tiếp cận được vốn.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Vốn FDI có đóng góp tích cực, tuy nhiên nếu các ngân hàng không nới room tín dụng cho doanh nghiệp và cả người mua nhà ở mức phù hợp thì thị trường bất động sản khó có thể hồi phục vào cuối năm, thậm chí có thể rơi vào trầm lắng kéo dài, gây hệ lụy nghiêm trọng đến nền kinh tế".