Công nghệ

Facebook xóa video livestream ảnh hưởng ra sao tới nhà sáng tạo nội dung?

Tóm tắt:
  • Facebook sẽ xóa video livestream sau 30 ngày, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của người làm nội dung.
  • Chính sách này nhằm thúc đẩy nền tảng video ngắn Reels và giảm phí lưu trữ tài nguyên.
  • Người dùng cần đầu tư chi phí lưu trữ ngoài nếu muốn giữ lại video livestream để tái sử dụng.
  • Nhiều chuyên gia cho rằng tác động không quá lớn, vì người dùng không thường xem lại livestream trên Facebook.
  • Thời hạn 30 ngày được đánh giá là hợp lý, giúp hạn chế nội dung rác và khuyến khích sáng tạo mới.

Xáo trộn khi Facebook xóa video livestream

Kế hoạch Facebook xóa video livestream sau 30 ngày được thực hiện từ giữa tháng 2 tại các thị trường quốc tế và dự kiến muộn hơn tại Việt Nam, có thể rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Thay đổi chính sách lưu trữ video livestream được đánh giá là một trong những động thái để thúc đẩy nền tảng video ngắn Reels.

"Việc này cũng nhằm hạn chế phí phạm tài nguyên lưu trữ, vì đa số video livestream không phải nội dung xây dựng lâu dài mà chỉ mang tính thời điểm. Động thái này cũng góp phần thúc đẩy các nhà bán hàng hay nhà sáng tạo nội dung đầu tư hơn vào việc tạo ra các tuyến thông tin mới", ông Lê Hải Vũ - CEO công ty Velasboost, đồng thời là chuyên gia thương mại điện tử chia sẻ với Thanh Niên.

Tốn thêm tiền đầu tư khi Facebook xóa video livestream? - Ảnh 1.

Nhà bán hàng, sáng tạo nội dung sẽ phải đầu tư thêm chi phí lưu trữ nếu muốn tái sử dụng các video livestream trên Facebook

Ảnh: Anh Quân

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của chính sách mới, ông Vũ cho rằng "dù ít hay nhiều cũng sẽ có tác động. Cụ thể, Facebook xóa video livestream sẽ làm mất đi một lượng tương tác nhất định tới tuyến nội dung vốn có thể tái sử dụng, khiến người tạo cần làm nhiều hơn. "Các video từng phát trực tiếp có thể tận dụng để chạy quảng cáo lâu dài thì bây giờ chỉ có thể tái sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu muốn giữ lại, người dùng sẽ tốn chi phí lưu trữ ngoài", ông Lê Hải Vũ nhận định.

Theo khuyến nghị từ Meta - công ty mẹ của Facebook, người dùng muốn lưu trữ video đã phát để không bị xóa có thể tải về trước khi đến thời hạn 30 ngày. Như vậy, họ sẽ cần đầu tư chi phí cho thiết bị lưu trữ ngoài (thường là ổ cứng) hoặc mua gói dung lượng trên các dịch vụ đám mây như One Drive (Microsoft), Drive (Google)... nếu muốn tái sử dụng video.

Anh Nguyễn Khánh Vinh, một nhà bán hàng eCom cho biết thông thường vẫn sử dụng lại các video đã livestream trên Facebook để chạy quảng cáo, do vậy chính sách mới sẽ khiến chiến lược này bị thay đổi. "Facebook xóa video livestream thì bắt buộc tôi phải chạy quảng cáo sớm hơn, chứ không như trước kia là lần lượt để kiểm tra độ hiệu quả. Điều này cũng gây khó khăn nhiều cho việc khai thác của công ty mà tôi đang làm", anh Khánh Vinh tâm sự.

Livestream 12 tiếng góp quỹ đưa công nhân, người lao động về quê ăn tết

Về phía những người sáng tạo nội dung theo hình thức đào tạo, chia sẻ kiến thức, việc Facebook xóa video cũng khiến họ vất vả hơn nếu muốn lưu giữ nội dung cũ.

Facebook không phải kênh duy nhất

Tuy có ảnh hưởng đến người dùng, nhiều chuyên gia nhận định những tác động đến từ việc Facebook xóa video livestream không gây quá nhiều sự xáo trộn, do đây không phải nền tảng duy nhất mang về tương tác. "Mỗi kênh có một lượng khách hàng nhất định, ở đâu cũng tạo ra giá trị, không cần thiết phải dịch chuyển việc đang làm sang nền tảng khác, tuy nhiên cần trang bị thêm công cụ lưu trữ", ông Lê Hải Vũ tư vấn.

Vị chuyên gia cho biết thêm, nếu nói về hiệu quả của phát trực tuyến thì hiện tại TikTok vẫn là kênh có giá trị hơn, sau đó mới tới Facebook. Dù vậy, mạng xã hội này cũng đang đầu tư rất nhiều để đẩy mạnh tính năng phát video trực tuyến, yếu tố giúp chi phí tính trên lượt tiếp cận video của Facebook hiện rẻ và khả năng lan tỏa cao. Đây được xem là cơ hội lớn cho các nhà bán hàng khai thác.

"Theo tôi, Facebook xóa video livestream có cả lợi và hại, lợi ích là để các nhà bán hàng, người sáng tạo sẽ làm việc nhiều hơn, tạo ra giá trị cao hơn, thúc đẩy xã hội luôn luôn tiến lên. Tuy nhiên với những người không có lợi thế về sáng tạo thì sẽ bị bóp nghẹt lượng truy cập, tiếp cận, bắt buộc phải đầu tư chi phí quảng cáo nhiều hơn, cũng như phải đầu tư thêm chi phí cho việc bảo quản, lưu trữ các nội dung tạo ra để tái sử dụng", ông Vũ cho hay.

Tốn thêm tiền đầu tư khi Facebook xóa video livestream? - Ảnh 2.

Việc Facebook xóa video livestream có thể không gây xáo trộn quá lớn tới hoạt động của nhà sáng tạo nội dung

Ảnh: Anh Quân

Còn theo ông Nhân Nguyễn, nhà sáng lập Nhân Nguyễn Sharing, chính sách mới không gây ảnh hưởng quá nhiều bởi người dùng Facebook không có hành vi xem lại livestream, khác với nền tảng YouTube. "Sau khi phát trực tuyến, nếu muốn dùng lại nội dung thì nhà bán hàng, người dùng có thể tải video về và biên tập lại. Đây là động thái tốt để giảm tải cho hệ thống Facebook", ông Nhân nói.

Theo chuyên gia này, YouTube hiện nay mới là nền tảng được sử dụng nhiều nhất cho các video dài và thói quen người dùng xem lại livestream cũng tập trung ở đây. Nhiều video trên dịch vụ chia sẻ này đạt nhiều triệu view xem mới dù đã kết thúc phiên trực tuyến. Trong khi đó, nhiều nền tảng khác như Twitch hay TikTok vẫn có chính sách xóa video một thời gian sau live mà không tạo ra tác động gì. Ông Nhân kết luận: "Điều này chứng tỏ việc xóa video không ảnh hưởng nhiều đến người dùng".

Bên cạnh đó, thời hạn 30 ngày cũng được đánh giá là "phù hợp" để nhà sáng tạo video đủ thời gian khai thác, xử lý "tài sản trực tuyến" của mình. Đồng thời, chính sách này cũng hạn chế tình trạng phát tán nội dung rác lặp đi lặp lại, không tạo ra giá trị mới khiến người dùng nhàm chán, dễ từ bỏ nền tảng.

Các tin khác