Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Eximbank, hội đồng quản trị nhiệm kỳ 7 (2020-2025) của ngân hàng sẽ có 7 thành viên. Tuy nhiên, Đại hội cổ đông năm 2023 đã miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Nguyễn Hiếu. Sau quyết định trên, HĐQT của ngân hàng có 5 thành viên gồm bà Đỗ Hà Phương (Chủ tịch HĐQT), 4 thành viên gồm ông Phạm Quang Dũng, bà Lê Thị Mai Loan, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Trần Anh Thắng.
Do đó, để đảm bảo hoạt động thông suốt Ngân hàng triệu tập họp đại hội cổ đông để bầu thêm 2 thành viên cho Hội Đồng Quản trị của ngân hàng.
Có 3 ứng viên ứng cử cho 2 vị trí này gồm: 1) ông Trần Tấn Lộc - Tổng Giám đốc Eximbank; 2) ông Võ Văn Dũng - người từng giữ vai trò công bố thông tin của ngân hàng hồi đầu năm nay; và 3) ông Nguyễn Cảnh Anh - Tổng giám đốc CTCP Amya Holding (từ 2021-nay).
Theo kết quả thẩm tra tư cách cổ đông, đến 8h18 phút số cổ đông có mặt là 206 cổ đông đại diện hơn 1,051 tỷ cổ phiếu tương đương 71,28% cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành họp đại hội cổ đông.
Thảo Luận
Cổ đông: Kế hoạch lợi nhuận ngân hàng là 30/06 là 5.000 tỷ. Đến 30/06 lợi nhuận chỉ có 1.400 tỷ (~ 28% kế hoạch). Ban lãnh đạo có định hướng gì để hoàn thành kế hoạch cả năm?
Ông Trần Tấn Lộc - Tổng Giám đốc: Trong 6 tháng vừa qua việc hoàn thành kế hoạch chưa được như mong muốn bởi tình hình kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng chậm lại. Tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm, với sự hỗ trợ của NHNN, chính phủ và tình hình kinh tế thế giới khởi sắc hơn, chúng tôi kỳ vọng tình hình kinh doanh có thể tích cực hơn và hoàn thành kế hoạch.
Cổ đông: Sau khi bầu bổ sung đủ thành viên thì định hướng và chiến lược thời gian tới của ngân hàng như thế nào?
Bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch HĐQT: Chiến lược của Eximbank là quay lại top 10 ngân hàng lớn nhất ở Việt, trở thành ngân hàng cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Điều này đòi hỏi sự đoàn kết của toàn thể cổ đông, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng. Chúng tôi hy vọng nhận được sự đồng hành của các cổ đông và cơ quan ban ngành.
Cổ đông: Ban Kiểm Soát cho biết kết quả báo cáo cơ quan thanh tra NHNN về việc thay đổi chủ tịch HĐQT?
Ông Ngô Tony - Trưởng BKS: Ngày 3/7 Eximbank đã phản hồi NHNN. Căn cứ luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng, điều lệ và quy chế eximbank, Ban kiểm soát ghi nhận việc triệu tập cuộc họp HĐQT ngày 01/06/2023 và việc thay đổi chủ tịch hội đồng quản trị theo văn bản 5562/2023/EIB-TGĐ ngày 28/06/2023 là phù hợp theo quy định. Đồng thời, ngân hàng cũng đã có phát đi thông cáo báo chí về vấn đề này.
Ông Võ Văn Dũng (ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT): Tôi nộp hồ sơ ứng cử vào thành viên hội đồng quản trị. Tuy được sự tín nhiệm của cổ đông, NHNN, nhưng vì lý do cá nhân tôi xin được phép rút khỏi danh sách ứng viên.
Bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch Hội Đồng Quản tri : Sau khi tham vấn ý kiến của NHNN và các văn bản pháp luật liên quan, đại hội vẫn diễn ra bình thường, tham chiếu trên các văn bản đã được công bố thông tin từ trước. Tuy nhiên, cổ đông nên tôn trọng ý kiến của ông Võ Văn Dũng.
Kết quả bầu cử
Đến 9h56 phút có 267 cổ đông tham dự, số cổ phần là 1,105 tỷ, tỷ lệ 74,89% cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Trần Tấn Lộc nhận được 980,38 triệu phiếu bầu, tương đương với 88,72% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội và trở thành thành viên HĐQT.
Ông Nguyễn Cảnh Anh nhận được 980,19 triệu phiếu bầu, tương đương với 88,70% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội và trở thành thành viên HĐQT.
Ông Đỗ Xuân Trung - Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết đại hội đã diễn ra đúng quy định của pháp luật. Với sự bổ sung nhân sự mới và đóng góp ý kiến của các cổ đông, sự chia sẻ tiếp tục theo đuổi định hướng chiến lược đã được đề ra ban đầu, hiệu quả hoạt động của ngân hàng sẽ tốt hơn.
Đồng thời, ông Trung cũng nhắc nhở, trong năm nay hoạt động ngành ngân hàng nói chung và của Eximbank nói riêng vẫn còn gặp rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đã phối hợp với chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế. Thời gian tới, ngành ngân hàng nói chung và Eximbank nói riêng nên tiếp tục đồng hành với chính phủ, doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, các ngân hàng nên có sự minh bạch trong việc giới thiệu các sản phẩm của mình. Không ép buộc khách hàng vay mua bảo hiểm nhân thọ, không ép khách hàng mua các sản phẩm khác không có nhu cầu.