Kết thúc tháng 11, VN Index đã có một nhịp phục hồi ấn tượng 19.7% kể từ vùng đáy 873 điểm thiết lập trong tháng 11 vừa qua. Có thể thấy khi thị trường phục hồi, dòng tiền ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hơn khi nhóm có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng đã có nhịp tăng 30.6% trong tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, thị trường luân phiên bùng nổ tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm ngành với 7/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong đó, ngành có biến động tích cực nhất là ngân hàng khi tăng 6% trong tháng 11, tiếp đến là nhóm tài nguyên cơ bản tăng 5%. Các nhóm ngành khác có nhịp tăng tốt trong tháng qua có dịch vụ tài chính; hàng và dịch vụ công nghiệp; thực phẩm và đồ uống.
Nhóm có biến động tiêu cực nhất trong tháng là nhóm bán lẻ khi giảm 14%, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài khiến lo ngại về nhu cầu sụt giảm và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
Thị trường có thể hướng tới vùng 1.130 – 1.140 điểm
Định giá P/E trailing cho VN Index đang ở mức 10,81 lần, tương đương với vùng đáy COVID-19 năm 2020, EVS Research đánh giá vẫn là một cơ hội để tích lũy đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Mặt khác, tâm lý thị trường có phần lạc quan hơn trong tháng 11 khi số liệu lạm phát Mỹ tăng chậm lại làm gia tăng kỳ vọng lãi suất Fed sắp lập đỉnh và khiến DXY điều chỉnh; Trung Quốc công bố gói hỗ trợ cho ngành bất động sản; Các doanh nghiệp gặp vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho trái chủ.
Với góc nhìn phân tích kỹ thuật, tính đến ngày 5/12, thị trường đã có một nhịp phục hồi mạnh mẽ về vùng 1.093 điểm với thanh khoản được cải thiện mạnh. Theo EVS Research, thị trường có thể hướng tới vùng 1.130 – 1.140 điểm trong nhịp tăng lần này trước khi có một nhịp điều chỉnh tính lũy để tiếp tục đi lên.
Biến số cần theo dõi trong nhịp này là dòng tiền của khối ngoại và thanh khoản thị trường. Nhà đầu tư cần duy trì tỉ lệ tài khoản hợp lý trong giai đoạn này, hạn chế mua đuổi nếu không có vị thế tốt.
EVS Research chỉ ra hai nhóm ngành hưởng lợi lớn trong năm 2023
Ngành cao su, việc Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách có thể giúp việc di chuyển đơn giản hơn, gia tăng nhu cầu đối với xăng dầu và lốp xe. Cùng với xu hướng “tiêu dùng trả thù” nhiều khả năng sẽ xảy ra khi nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt 3 năm do đại dịch.
EVS Research cho rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc trong năm tới sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu về các sản phẩm từ cao su như xăm lốp, từ đó khiến giá cao su tăng cao trong thời gian sắp tới. EVS Research đưa ra các cổ phiếu cần quan tâm gồm DRC, DRI.
Ngành nhiệt điện, theo dự báo của IRA, trạng thái La Nina nhiều khả năng sẽ chỉ duy trì đến giai đoạn tháng 2 – 4/2023 và chuyển dần sang trung tính có thể khiến lượng điều kiện thủy văn kém thuận lợi dẫn tới giảm sản lượng các nhà máy thủy điện. Nhiều khả năng EVN sẽ phải huy động từ các nhà máy nhiệt điện khi vào mùa khô để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
EVS Research dự báo giá điện CGM tiếp tục neo cao khi giá nguyên vật liệu như than hay khí vẫn sẽ neo cao do Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn vào 2023 và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu chưa thể giải quyết nhanh chóng. Các doanh nghiệp trong ngành nhiệt điện được EVS quan tâm bao gồm QTP, NT2