Doanh nghiệp

EVN chi 3.900 tỉ đồng đầu tư mở rộng thủy điện Trị An

Theo Quyết định 1522, UBND tỉnh Đồng Nai cho EVN thuê 20,86 ha đất để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, tại xã Trị An (xã Hiếu Liêm cũ), huyện Vĩnh Cửu. Trong đó, diện tích đất sử dụng vĩnh viễn là 15,48 ha và diện tích đất sử dụng tạm thời 5,37 ha. Mục đích sử dụng đất là đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng.

Đối với diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 15,48 ha, thời hạn sử dụng đến năm 2070, còn 5,37 ha đất sử dụng tạm thời, sau khi hoàn thành xây dựng dự án, EVN có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý, sử dụng.

EVN chi 3.900 tỉ đồng đầu tư mở rộng thủy điện Trị An- Ảnh 1.

Dự án thủy điện Trị An mở rộng sẽ giúp tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam

ẢNH: CTV

Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, cách TP.HCM khoảng 65 km) vào năm 1984.

Theo EVN, dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng có vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng, gồm 2 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt 200 MW, dự kiến hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2027.

Dự án sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt trong những giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện. Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia; tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hằng năm; giảm phát thải CO2; giảm bớt cường độ làm việc tại các tổ máy của nhà máy hiện hữu và kéo dài tuổi thọ thiết bị.

Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô (từ năm 1984), phát điện tổ máy số 1 ngày 30.4.1988 và khánh thành 1991. Hiện nay, nhà máy có 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỉ kWh, hồ chứa thủy điện Trị An có dung tích 2,7 tỉ m3.

Ngoài mục đích chính là sản xuất điện, cung ứng cho lưới điện quốc gia, thủy điện Trị An còn thực hiện chức năng đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ.


Các tin khác

Giá vàng trong nước "bỏ xa" thế giới

Sáng nay (14/5), giá vàng trong nước tăng. Giá vàng miếng trong nước cao hơn gần 18 triệu đồng/lượng so với thế giới, mức chênh của vàng nhẫn dao động 13-16 triệu đồng/lượng, tùy từng thương hiệu.

Thông tin mới về “Siêu dự án" 1,5 tỷ USD ở Hưng Yên

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân gôn Khoái Châu do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên đề xuất.

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh

Cuối chiều 13/5, giá vàng trong nước quay đầu tăng 1 triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 120,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất lên 119 triệu đồng/lượng.

Vì sao Hoa Kỳ quan tâm ngành công nghiệp thuốc lá mới?

Theo dữ liệu từ báo cáo của Verified Market Reports, thị trường thuốc lá mới được định giá ở mức 55,3 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt mốc tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5% trong giai đoạn từ 2026 đến 2033, đạt mức 90,4 tỷ USD vào năm 2033.

Giá nhà mặt phố Hà Nội vượt 400 triệu đồng/m2

Giá nhà phố tại nhiều quận ở Hà Nội liên tục tăng, lên mức trung bình 437 triệu đồng/m2. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, phân khúc nhà mặt phố có khả năng giữ dòng tiền tốt, an toàn trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi.

Mỹ đồng loạt giảm thuế với hàng hóa Trung Quốc

Mỹ công bố giảm thuế áp dụng cho các lô hàng giá trị thấp (de minimis) từ Trung Quốc, theo lệnh hành pháp của Nhà Trắng hôm 12/5. Động thái này góp phần xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.