CNBC dẫn nguồn tin cho biết đơn kiện của Musk đã được gửi lên tòa án San Francisco ngày 29/2. Trong đơn kiện, tỷ phú Mỹ nói năm 2015, Sam Altman, Greg Brockman và các nhà đồng sáng lập OpenAI tiếp cận ông để tham gia thành lập một phòng thí nghiệm phi lợi nhuận nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo "vì lợi ích của nhân loại". Sau đó, Musk trở thành đồng sáng lập OpenAI. Năm 2018, ông rời hội đồng quản trị sau khi tuyên bố "AI có thể nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân".
Năm 2019, OpenAI quyết định gọi vốn và huy động được một tỷ USD từ Microsoft. Tập đoàn phần mềm Mỹ không chỉ trả tiền mặt mà còn cho OpenAI dùng cơ sở hạ tầng và nền tảng đám mây. Họ đã cùng nhau xây dựng siêu máy tính để đào tạo các mô hình khổng lồ và gây tiếng vang lớn như ChatGPT, Dall-E. Thành công của ChatGPT trở thành một trong những thương vụ đầu tư khôn ngoan nhất của Microsoft.
Trong đơn kiện, các luật sư của Musk nói việc OpenAI tập trung vào mục tiêu kiếm tiền đã vi phạm hợp đồng ban đầu khi thành lập công ty. Phía nguyên đơn còn cho rằng OpenAI đã "hoàn toàn giữ bí mật" mẫu AI tiên tiến nhất là GPT-4.
"OpenAI đã được chuyển đổi thành một công ty con. Họ nhận nguồn tiền từ công ty công nghệ lớn nhất thế giới Microsoft. Cho đến nay, trang web của OpenAI vẫn tuyên bố phát triển AGI để phục vụ lợi ích nhân loại, nhưng trên thực tế họ đang giúp tối đa hóa lợi nhuận cho Microsoft", đơn kiện viết.
Các luật sư của Musk nhấn mạnh việc OpenAI tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận cho Microsoft đã vi phạm thỏa thuận khi họ tiếp cận Musk. Đơn kiện nhằm buộc OpenAI tuân thủ các thỏa thuận và quay lại với sứ mệnh phát triển AGI vì lợi ích của nhân loại chứ không phải cá nhân hay tổ chức nào.
Trước đó 10 ngày, Musk đăng ảnh kỷ niệm ngày OpenAI nhận lô chip đầu tiên từ Nvidia. Sau đó ông cũng tiết lộ lý do không nhận cổ phần tại startup này vì cho rằng việc này "có vẻ phi đạo đức và không hợp pháp".
Theo FT, vụ kiện đã đẩy hai lãnh đạo công nghệ nổi tiếng bậc nhất thế giới lên mức căng thẳng mới. Trước đó họ đã liên tục có những ý kiến trái chiều về tương lai AI. Sau khi ChatGPT ra mắt và gây chấn động khắp thế giới hồi tháng 11/2022, Musk đã liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm của AI với nhân loại. Ông từng ký đơn kêu gọi công ty, tổ chức toàn cầu ngừng cuộc đua siêu AI trong sáu tháng để cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc chung về AI. Tuy nhiên, theo Business Insider, ông cũng đã mua 10.000 card đồ họa của Nvidia để vận hành công ty xAI hồi tháng 3/2023.
Trong khi đó, Sam Altman cũng có mối quan hệ không mấy êm ấm với lãnh đạo của OpenAI. Tháng 11 năm ngoái, hội đồng quản trị công ty bất ngờ sa thải CEO. Theo Reuters, một trong những nguyên nhân của cuộc sa thải này là để "bảo vệ sứ mệnh công ty tiếp tục phát triển AI vì lợi ích nhân loại". Vài ngày sau đó Sam Altman được phục chức.
Cả OpenAI, Sam Altman và Elon Musk chưa đưa ra bình luận về vụ kiện. CNBC dẫn lời Chủ tịch Microsoft Brad Smith tại một hội nghị nói OpenAI là đối tác quan trọng nhưng họ "không kiểm soát công ty".
Dưới sự dẫn dắt của Sam Altman, Open AI đang trở thành một trong những startup giá trị và phát triển nhanh nhất thế giới. Theo New York Times, OpenAI hiện được định giá 80 tỷ USD. Tuy nhiên công ty cũng đang gặp hàng loạt rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền khi đào tạo các mô hình AI.
Khương Nha