Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua vào ngày 21/7 tới, nhưng ECB đang phải chịu áp lực phải hành động nhiều hơn trước tình hình lạm phát lên mức cao kỷ lục.
Lãi suất tiền gửi của ECB đã ở mức âm trong tám năm qua, với lãi suất chủ chốt hiện là -0,5%, nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế và lạm phát.
Ở mức thấp dai dẳng suốt nhiều năm trước đó, nhưng lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) đang tăng mạnh do các vấn đề về chuỗi cung ứng xuất phát từ đại dịch COVID-19 và sự leo thang của giá lương thực và năng lượng do xung đột tại Ukraine. Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã lên đến 8,6% trong tháng Sáu, mức cao nhất từng ghi nhận tại khu vực này và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB.
Giờ đây, ECB đang hướng đến việc từ nay đến cuối tháng Chín đưa lãi suất ra khỏi vùng âm bằng nhiều đợt nâng lãi suất, bắt đầu với một đợt nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng này.
Trước đó, để đặt nền tảng cho chu kỳ nâng lãi suất sắp tới, ECB đã ngừng chương trình mua trái phiếu vào đầu tháng Bảy. Tuy nhiên, theo ông Carsten Brzeski, người đứng đầu chính sách vĩ mô của ngân hàng ING, cho rằng quá trình bình thường hóa một cách thận trọng này của ECB là “quá chậm và quá muộn”. Ông cho rằng nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB có thể muốn thúc đẩy hành động nhanh hơn, nhưng đây là việc “cân bằng giữa tính “có thể đoán định” và vai trò chống lạm phát của ECB.
Ông Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management, nhận định ECB đang đối mặt với một “phương trình khó giải”, khi ngân hàng này quyết tâm kiềm chế lạm phát trong khi nền kinh tế khu vực đang đứng trên bờ vực suy thoái.
Xung đột tại Ukraine đang phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế Eurozone, khi các nước thành viên đang gấp rút chuẩn bị cho một mùa đông có thể thiếu hụt năng lượng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu lục này.
“Đổ thêm dầu vào lửa” còn là một đồng euro suy yếu so với đồng USD và gần đây đã rơi xuống mức ngang giá với “đồng bạc xanh” lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, và một cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy.
Sự căng thẳng gia tăng nhanh chóng trên các thị trường trái phiếu đã khiến ECB phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng một công cụ để chống “sự phân mảnh” trong khu vực Eurozone.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết công cụ mới này là cần thiết để tránh sự chênh lệch quá mức trong chi phí đi vay tại các nước thành viên và đảm bảo các thay đổi trong chính sách tiền tệ sẽ các tác động như nhau trên khắp. Nhưng ý tưởng này đang vấp phải sự nghi ngại từ các thành viên trong hội đồng thống đốc của ECB.