Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành việc đào tạo nhân viên lái tàu, đồng thời tiếp tục tuyển dụng, đào tạo nhân viên nhà ga, bán vé… Thông tin này được ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1, thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết chiều ngày 30/11.
Theo ông Hoàng Mai Tùng, tiến độ của từng gói thầu cụ thể gồm gói CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Tp. Hồ Chí Minh) đạt 99,97%; gói CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73%; gói CP2 (đoạn trên cao và khu trung tâm điền khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) đạt 98,18%; gói CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 93,5%.
Trong nhóm công việc liên quan đến thi công, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM đảm bảo hoàn thành trong năm 2023. Những hạng mục chưa hoàn thành là tòa nhà văn phòng-vận hành nằm trong khu trung tâm điền khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu cùng các cầu bộ hành, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý I năm 2024.
Về nhóm đào tạo nhân sự vận hành tàu, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM sẽ hoàn thành đào tạo vào cuối quý II/2024. Hiện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố đã đào tạo cơ bản xong các lái tàu; tuyển dụng 291 nhân viên nhà ga; đang đào tạo 142 nhân viên phụ trách an toàn, 19 nhân viên điều hành điều khiển và giám sát (OCC), 9 quản lý nhà ga. Đầu tháng 12/2023, 149 nhân viên phụ trách vé ở nhà ga cũng bắt đầu được đào tạo.
Đối với nhóm công việc thử nghiệm và đánh giá an toàn, hiện nay hợp đồng tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống đã được góp ý từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, để nhanh chóng hoàn thành các bài kiểm tra, thử nghiệm để đẩy nhanh tiến độ sử dụng.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM , đơn vị tư vấn và hội đồng kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã họp về kế hoạch phối hợp và nội dung đánh giá cũng như thẩm định an toàn sau này.
Một số vướng mắc của nhà thầu CP3 đang được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM và nhà thầu phối hợp giải quyết theo hợp đồng; trong đó các khác biệt về cách hiểu hợp đồng sẽ được thay thế bằng cách tư vấn ban hành chỉ thị (theo điều khoản hợp đồng) để nhà thầu thi công.
Các nội dung về cách hiểu, trách nhiệm, chi phí (nếu có) sẽ được giải quyết song song với tinh thần là không vì các vướng mắc mà ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, hợp đồng 5 năm bảo dưỡng, sau rất nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở thì đến nay nhà thầu đã trình nộp, dự kiến tuần sau, Chủ đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM), nhà thầu và công ty vận hành HURC1 sẽ họp ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) về nội dung này trong thời gian tới.
Các vướng mắc về vốn như Hiệp định vay VN15-P5 đã được Thủ tướng có văn bản đồng thuận; còn Hiệp định Vay 4 thì Bộ tài chính và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký vào giữa tháng 12.
"Về cơ bản, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM đang điều hành các nhóm công việc tương đối chủ động. Trong năm 2023 sẽ hoàn thành thi công, sang nửa đầu năm 2024 sẽ tập trung vừa thử nghiệm thiết bị, vừa đào tạo, vừa khai thác thử để đánh giá an toàn toàn tuyến, sau đó sẽ có thẩm định an toàn của Cục Đường sắt và nghiệm thu đưa vào sư dụng của Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu (SIC) trước khi cho phép vận hành thương mại", ông Hoàng Mai Tùng thông tin.
Trước đó, tuyến Metro này đã được lần đầu cho chở khách chạy thử toàn tuyến vào tháng 8/2023.