Doanh nghiệp

Đường Quảng Ngãi vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 7 tháng

Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) ghi nhận doanh thu 7 tháng ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 1.550 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ.

Tính riêng tháng 7, doanh thu Đường Quảng Ngãi khoảng 1.157 tỷ đồng, lãi trước thuế 206 tỷ đồng.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu 9.000 đồng và lãi trước thuế 1.500 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 39% so với nền cao kỷ lục năm trước. Như vậy, Đường Quảng Ngãi đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 7 tháng.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC. * là số ước tính.

Sản lượng tiêu thụ đường giảm, sữa đậu nành tăng

Về từng mảng kinh doanh 7 tháng đầu năm nay, mảng đường ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với doanh thu  2.600 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ ước đạt 130.000 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ, tương đương với 20.000 tấn đường được bán trong tháng 7. Giá bán tiếp tục duy trì ở mức khá cao, trên 20.000 đồng/kg, gần tương đương với cùng kỳ.

Theo VCBS, sự sụt giảm của sản lượng đường đến từ việc Đường Quảng Ngãi không tham gia đấu thầu nhập khẩu đường tinh luyện trong quý II trong bối cảnh Chính phủ đã áp thuế nhập khẩu đối với đường tinh luyện ở mức 40 - 85%.

Thay vào đó, công ty tập trung vào mở rộng vùng nguyên liệu và tăng hiệu suất thu hồi đường từ mía nhằm bù đắp cho sản lượng thiếu hụt này. Lợi nhuận trước thuế mảng đường ước đạt 735 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Nguồn: VCBS.

Mảng sữa đậu nành ghi nhận 2.400 tỷ đồng doanh thu, tương đương với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 3% so với cùng kỳ kể từ đầu năm, đạt 144 triệu lít. Thị phần của Vinasoy đạt 88,8% trong nửa đầu năm.

Tiêu thụ theo kênh MT (Modern Trade - kênh phân phối bán hàng hiện đại) đang tăng trưởng khá tốt, tăng 70% so với cùng kỳ mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, xấp xỉ 10% tổng doanh thu.

Thị trường nội địa vẫn là khu vực tiêu thụ chính của Đường Quảng Ngãi, xuất khẩu còn ít nhưng đã có một số tín hiệu khá tích cực.

Tuy nhiên, việc công ty tiếp tục áp dụng chính sách hạ giá bán 5% nhằm nâng cao tính cạnh tranhchốt giá nguyên liệu từ khá sớm từ đầu năm khiến cho Đường Quảng Ngãi không được hưởng lợi khi giá đậu nành thế giới đang giảm khá mạnh kể từ quý II.

Do đó, biên lợi nhuận của công ty ghi nhận giảm, dù doanh thu đi ngang. Lợi nhuận trước thuế mảng sữa đậu nành ước đạt 455 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

 Doanh thu mảng sữa đậu nành và biên lợi nhuận gộp (Nguồn: VCBS).

 Biên lãi gộp mảng sữa đậu nành dự kiến hồi phục từ quý IV 

Dự báo về các mảng kinh doanh nửa cuối năm, VCBS cho rằng sản lượng đường, giá bán đường của Đường Quảng Ngãi sẽ tăng.

Về mặt sản lượng, để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt khi không nhập khẩu đường tinh luyện, Đường Quảng Ngãi sẽ tập trung đẩy mạnh vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng mía từ 29 ha lên 32 ha. Bên cạnh đó là phát triển công nghệ, tăng hiệu suất thu hồi đường trên mía, hiện nay hiệu suất của công ty đạt 8,8 tấn mía/tấn đường, đủ khả năng cạnh tranh với Thái Lan đang ở mức bình quân 9,4 tấn mía/tấn đường.

Sản lượng mía của Đường Quảng Ngãi có thể tăng thêm 20.000 tấn trong năm nay, bù đắp cho mức sụt giảm 25.000 tấn trong nửa đầu năm. Do đó, VCBS dự báo tổng sản lượng sản xuất của năm 2024 của công ty có thể đạt khoảng 220.000 tấn.

Về giá bán, đơn vị phân tích kỳ vọng giá đường Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì quanh mức hiện tại.

Nguồn: VCBS.

Đối với mảng sữa đậu nành, VCBS cho rằng, sản lượng tiêu thụ có thể tăng trưởng nhẹ khi công ty duy trì chính sách giảm giá sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh, phát triển các dòng sản phẩm mới nhãn hiệu Veyo tập trung vào khu vực thành thị thu nhập cao trong tháng 6 này. Đồng thời, công ty tiếp tục mở rộng kênh bán hàng, đặc biệt là kênh MT tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi và sàn thương mại điện tử.

Biên lợi nhuận gộp mảng sữa dự kiến hồi phục kể từ quý IV khi công ty bắt đầu đợt chốt giá nguyên liệu mới trong tháng 9. Hiện nay, giá đậu tương thế giới đang dao động khoảng 980 – 1.000 USD/Bu, thấp hơn đáng kể so với mức 1.200 USD/Bu hồi tháng 3 năm nay.

T

 Sản phẩm sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi. (Ảnh: Lâm Anh).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm