Bài chia sẻ của một tài khoản tên Trần Lôi được đăng trên trang Toutiao của Trung Quốc.
Mắc kẹt trong áp lực khi được bố mẹ cho tiền mua nhà
Tôi từng tâm sự với một người bạn về việc áp lực và lo lắng khi được bố mẹ mua cho một căn hộ ở ngay thành phố nơi mình làm việc. Lúc đầu bạn của tôi rất ngạc nhiên, còn hỏi không phải được cho tiền mua nhà là một việc tốt sao. Nhưng thực tế là bố mẹ tôi chỉ trả trước một phần căn hộ là 350.000 NDT (~1,2 tỷ đồng), số tiền còn lại tôi vay thế chấp rồi trả dần.
Bố mẹ chỉ cảm thấy tôi đã đến tuổi để sở hữu một căn nhà như bạn bè đồng trang lứa nên mới đưa ra quyết định này. Bản thân tôi hay những người tôi quen biết thường vì khoảng cách thế hệ mà chống đối bậc sinh thành trong những vấn đề nhỏ, nhưng lại nghe lời họ trong những việc lớn như kết hôn, mua nhà, sắm xe.
(Ảnh minh họa)
Sau khi rời trường học bước vào xã hội, áp lực đối với chúng ta trở nên đa dạng và phức tạp hơn, từ công việc, kinh tế đến mọi mặt trong cuộc sống. Nhất là tâm lý không chắc chắn về sự phát triển trong tương lai của mình khi đã làm người trưởng thành, lúc nào cũng mong cầu cấp bách thành công, tiền tài, địa vị.
Tiền lương của tôi đi làm vài năm không có bước tiến quá lớn, nhưng tạm hài lòng vì cũng đủ duy trì chi phí sinh hoạt thông thường. Nhưng khi nhìn sang bạn bè xung quanh đã lập gia đình, mua nhà, kinh doanh, lại thấy bản thân nhưng đang thụt lùi phía sau. Tôi bắt đầu nghi ngờ về bản thân, cảm xúc tiêu cực tích tụ ngày càng nhiều, có chút sốt ruột nên dù trước đó chưa có ý định mua nhà sớm nhưng khi bố mẹ đề nghị, tôi lại đồng ý ngay.
Mặc dù lương có thể trả được tiền thế chấp hàng tháng nhưng tôi khó khăn để xoay sở cuộc sống thoải mái như trước. Thêm vào đó, tuổi tác của bố mẹ cũng ngày càng lớn, áp lực kinh tế tăng theo nhưng con số trong tài khoản lại nhảy lên thật chậm chạp. Việc bố mẹ dành tất cả tiền tiết kiệm để mua căn hộ này càng làm tôi lo lắng hơn, phải tìm nhiều cách từ tăng ca đến kiếm thêm việc để gửi tiền về lo chi phí sinh hoạt cho bố mẹ.
(Ảnh minh họa)
Có lẽ bố mẹ tôi cũng có sự nôn nóng riêng, giá nhà ngày càng lên cao, tiền thuê nhà cũng tăng chóng mặt. Với những người lớn tuổi, chỉ “an cư” mới có thể “lạc nghiệp”, có nhà thì mới cưới được vợ, sự nghiệp mới ổn định. Vậy nên quyết định dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để mua nhà cho tôi cũng không khó hiểu.
Nhưng mỗi ngày đi làm về, ở trong chính căn hộ mà chưa biết ngày nào mình trả hết nợ, gồng gánh trên vai mồ hôi công sức cả đời của bố mẹ, dù trong mắt mọi người giờ đây tôi cũng là người đứng tên một căn nhà nhưng không phút nào tôi thấy mình hạnh phúc.
Khổ sở với giấc mơ “an cư lạc nghiệp” khi chưa sẵn sàng
Sau này tôi mới biết cũng có nhiều người giống tôi, mọi người chỉ thấy họ có nhà, có xe, nhưng đằng sau đó lại là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Một người bạn khác của tôi được bố mẹ cho tiền mua nhà cho từ đó đến nay chưa bao giờ thấy đi tụ tập bạn bè. Nếu gặp gỡ, lúc nào anh bạn cũng trong trạng thái buồn ngủ, than vãn vì mệt mỏi. Tiền thế chấp của anh ấy rất cao, sắp tới còn có ý định kết hôn.
Một thời gian sau gặp lại bạn đang ăn mì xào ở quán ven đường, sút cân rất nhiều. Anh bạn tâm sự, kế hoạch trong tương lai từ trả nợ, lấy vợ đến sinh con cái nào cũng cần có tài chính, bây giờ anh chưa có được nên chỉ biết chịu đựng.
Tôi từng đọc được câu chuyện của một cô gái Thượng Hải (Trung Quốc) có trình độ học vấn tương đối tốt, có công việc ổn định. Gia đình cô ấy cũng cố gắng lắm mới có 2 triệu NDT (~6,8 tỷ đồng) đặt cọc mua nhà cho cô, nhưng áp lực trả tiền thế chấp 13.000 NDT (~44 triệu đồng) vẫn là gánh nặng mỗi tháng dù làm việc chăm chỉ. Muốn mua gì cô cũng không dám mua vì sợ cuối tháng không đủ trả nợ, cuộc sống ngột ngạt trong vòng xoáy làm việc cật lực - tìm cách xoay sở trả nợ.
(Ảnh minh họa)
Năm 2020, mức lương trung bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là 6906 NDT/ tháng (~23 triệu đồng), giá nhà trung bình là 63.000 NDT/m2 (~214 triệu đồng), vậy nên để mua được 1m2 phải mất ít nhất 9 tháng làm việc. Giá một căn nhà ở trung tâm thành phố lớn khác cũng lên tới hàng triệu NDT. Tất nhiên nếu thiếu sự hỗ trợ của bố mẹ, những người trẻ như tôi khó lòng trả được tiền đặt cọc để sở hữu hoàn toàn căn nhà trong tương lai.
Nhưng nếu có thể lựa chọn lại, tôi sẽ không chọn mua nhà tại thời điểm tích lũy tài chính của mình không vững vàng như hiện nay. Hoặc phải đến khi bản thân cảm thấy sẵn sàng với những thử thách và đủ khả năng chịu trách nhiệm với căn nhà.
Tôi đã có chút vội vã, bốc đồng, vì nôn nóng trước tốc độ kiếm tiền của bạn bè xung quanh mà áp đặt thành tựu của họ trở thành mục tiêu của mình. Tôi nhận ra nếu không thể thoát ra khỏi vòng xoáy nhìn vào cuộc đời người khác, từ tài sản đến hạnh phúc của họ, tôi sẽ không thể có được hạnh phúc của riêng mình.