Theo quyết định này, phạm vi dừng hoạt động bao gồm toàn bộ dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác Phan Thiết (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, Bình Thuận cũ, nay là P.Tiến Thành, tỉnh Lâm Đồng); thời gian dừng hoạt động 6 tháng, bắt đầu kể từ ngày 1.7.2025.
Lý do dừng hoạt động được Sở Tài chính đưa ra là để khắc phục các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của tỉnh Bình Thuận cũ.

Nhà máy xử lý rác Phan Thiết
ẢNH: QUẾ HÀ
Sở Tài chính yêu cầu Công ty TNHH Nhật Hoàng (chủ đầu tư) có trách nhiệm dừng hoạt động dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật cho đến khi dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai hoạt động.
Theo đó, Sở NN-MT Lâm Đồng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND P.Tiến Thành thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đảm bảo rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.Phan Thiết (cũ) được thu gom, vận chuyển, xử lý hằng ngày, không để tồn đọng rác gây bức xúc, phức tạp về tình hình an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Nhà máy xử lý rác Phan Thiết bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường khiến phải dừng toàn bộ hoạt động
ẢNH: QUẾ HÀ
Dự án nhà máy xử lý rác này có tổng vốn đầu tư hơn 495 tỉ đồng, với diện tích hơn 10 ha; đã được UBND tỉnh Bình Thuận (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 26.5.2015; Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận (cũ) cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 2 ngày 19.5.2020.
Với công suất thiết kế xử lý chất thải rắn sinh hoạt 400 tấn/ngày, đây là dự án được đầu tư để xử lý rác thải trên địa bàn TP.Phan Thiết (cũ), đặc biệt là xử lý ô nhiễm tại bãi rác Bình Tú và một phần rác thải của H.Hàm Thuận Nam (cũ).
Trước đây, UBND tỉnh Bình Thuận từng kỳ vọng và nhiều lần kiểm tra, đi đến khẳng định dự án nhà máy xử lý rác này sẽ giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm rác ở bãi rác Bình Tú, vốn gây bức xúc cho người dân địa phương do ô nhiễm. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước (Sở NN-MT Bình Thuận cũ) đã phát hiện nhiều vi phạm về môi trường của nhà máy xử lý rác này.