Do giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động quá chậm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã trực tiếp về các địa phương, trong đó có TP.HCM để đốc thúc thực hiện việc này.
Sốt ruột trước việc giải ngân chậm của TP.HCM, ông Thanh cho rằng, không nên để người lao động chán nản rồi nghĩ “lên tivi nhận”, nhất là khi “tiền không thiếu, quan trọng là đừng bỏ sót ai”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng "không nên để người lao động chán nản rồi nghĩ “lên tivi nhận” tiền hỗ trợ thuê nhà"
Tại TP.HCM, gói hỗ trợ thuê nhà dự kiến giúp đỡ khoảng 1,1 triệu lao động với kinh phí hơn 1.777 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan Bảo hiểm xã hội mới chỉ tiếp nhận trên 680.000 hồ sơ, các địa phương mới giải ngân cho gần 13.000 trường hợp với số tiền gần 7 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 3, Chính phủ ban hành Quyết định 08, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với khoảng 6.600 tỷ đồng, cho 3,4 triệu người lao động.
Theo quyết định này, người lao động thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tháng và tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 1/4 đến hết 15/8.
Như vậy, thời hạn chót để giải ngân gói 6.600 tỷ này cũng chỉ còn chừng hơn nửa tháng nữa.
Trong khi đó, đến nay, trong số 51 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ xin hỗ trợ, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 21.792 doanh nghiệp với 1.075.561 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 669,5 tỷ đồng.
Trong đó, số hồ sơ đã được giải ngân là 3.391 doanh nghiệp, với 252.560 lao động, tổng kinh phí là 150,8 tỷ đồng (tương đương 2,2% toàn gói).
Tiền không thiếu, thời hạn giải ngân cũng sắp hết, vậy nhưng số lao động nhận được tiền hỗ trợ vẫn quá ít.
Đáng nói, khi đề xuất gói hỗ trợ, ngành LĐ-TB&XH đề xuất các thủ tục rất đơn giản với mục tiêu đưa tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động.
Vậy nhưng gần 4 tháng trôi qua, số lượng người lao động nhận được tiền vẫn quá ít ỏi.
Nguyên nhân được cho là số lượng các doanh nghiệp lập danh sách cho người lao động hưởng chính sách ít; chậm triển khai vì muốn gộp hồ sơ một lần; một số địa phương sợ sai nên yêu cầu người lao động phải có xác nhận thuê trọ của chính quyền địa phương, dù về nguyên tắc chỉ cần chủ trọ xác nhận… Nói chung, rất nhiều lý do được đưa ra.
Tuy nhiên, nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, với tốc độ quá chậm như vậy, người lao động chán nản, không làm thủ tục hỗ trợ nữa, gói hỗ trợ sẽ mất ý nghĩa. Mục tiêu cao nhất là giữ chân người lao động, khôi phục sản xuất sau đại dịch của gói hỗ trợ này cũng sẽ không đạt được nếu tình hình không được cải thiện.
Vì vậy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và sở ngành chức năng cần rốt ráo triển khai, đừng để các loại thủ tục hành chính trở thành rào cản, làm mất đi ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp, chia sẻ khó khăn với người lao động của gói hỗ trợ lần này.
Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu lao động, mà còn ảnh hưởng tới niềm tin vào cách thức triển khai các chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đó mới là điều quan trọng.