Doanh nghiệp

Đức Long Gia Lai: Công ty không đến mức phải phá sản

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa gửi đơn khiếu nại về quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai. Quyết định trên được thực hiện theo yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3 (L43) do DLG chậm trả nợ. Sau khi xem xét các giấy tờ và tài liệu liên quan, cơ quan tư pháp thấy có căn cứ chứng minh doanh nghiệp này mất khả năng thanh toán.

Trong đơn khiếu nại, Đức Long Gia Lai cho biết đã nộp báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thể hiện doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ. DLG khẳng định vẫn đang hoạt động bình thường, có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác và khách hàng.

"Số nợ L43 rất nhỏ so với tổng tài sản của công ty chúng tôi", đơn khiếu nại của Đức Long Gia Lai nêu rõ.

Doanh nghiệp này cũng cho biết đang thực hiện việc trả nợ dần cho L43. Do đó, quyết định mở thủ tục phá sản trên là "không đúng với quy định".

L43 gửi đơn yêu cầu và được Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý từ cuối tháng 7. Thời điểm đó, Đức Long Gia Lai giải thích công ty đang gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, công ty không bị mất khả năng thanh toán khi khoản nợ của Lilama 45.3 chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản.

Theo Luật Phá sản 20214, bất kỳ chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần đều có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp không trả nợ trong 3 tháng kể từ ngày đến hạn. Quyết định mở thủ tục phá sản sẽ được Tòa án chấp thuận khi có căn cứ xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, hoạt động của doanh nghiệp sẽ được giảm sát, tài sản sẽ được kiểm kê. Doanh nghiệp không được thực hiện các hành vi che giấu hoặc tẩu tán tài sản. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ để quyết định phục hồi doanh nghiệp hay không. Nếu không, tài sản của doanh nghiệp sẽ bị thanh lý và phân chia cho các chủ nợ.

Doanh nghiệp có quyền đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở thủ tục phá sản. Khi xem xét lại, cơ quan chức năng có thể triệu tập người khác để hỏi thêm về những vấn đề chưa rõ.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016-2018 với doanh thu ngấp nghé 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Nhưng hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai bắt đầu xuống dốc ngay từ năm 2020 khi những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Điều này khiến công ty nhiều lần bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát.

Hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai mới cải thiện gần đây. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm 29% về 511 tỷ đồng. Lợi nhuận cải thiện lên mức 34,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 360 tỷ đồng.

Tuy nhiên, DLG vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 2.040 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đến cuối tháng 6 đạt gần 4.570 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính. Ngoài ra, các khoản nợ ngắn hạn đang cao hơn 1.200 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn. Vì thế, hãng kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.

Doanh nghiệp này sau đó cho biết những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty đã tồn tại từ năm 2022 đến nay và đang được khắc phục từng bước. Trước mắt, tính đến ngày 15/8, DLG đã thu hồi hơn 422 tỷ đồng công nợ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm