Sống

Dựa vào bao bì có phân biệt được mì chính thật - giả?

Tóm tắt:
  • Bao bì không còn là căn cứ chính xác để phân biệt mì chính thật và giả.
  • Công nghệ in ấn hiện đại giúp hàng giả sao chép bao bì sản phẩm chính hãng.
  • Nguy cơ từ sản phẩm giả chủ yếu là nguyên liệu pha trộn không an toàn cho sức khỏe.
  • Công ty Famimoto Việt Nam bị phát hiện sản xuất và tiêu thụ thực phẩm giả với số lượng lớn.
  • Các sản phẩm giả chủ yếu tiêu thụ ở bếp ăn tập thể, gây nguy hiểm cho sức khỏe người lao động.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nay, việc phân biệt mì chính, hạt nêm thật - giả bằng bao bì gần như không còn chính xác. Công nghệ in ấn hiện đại cho phép các đối tượng làm hàng giả sao chép gần như hoàn toàn bao bì của sản phẩm chính hãng, khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết bằng mắt thường.

Tương tự mì chính, hạt nêm cũng bị làm giả với bao bì tinh vi, không khác biệt so với sản phẩm thật. Điều này khiến việc phân biệt hàng giả dựa trên mẫu mã trở nên gần như vô nghĩa.

Liên quan đến lo ngại về an toàn thực phẩm, hiện chưa có bằng chứng cho thấy mì chính hoặc hạt nêm giả bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh đường ruột như E.coli, Salmonella hay tụ cầu vàng. Vì vậy, chưa thể khẳng định việc sử dụng sản phẩm giả sẽ ngay lập tức gây tiêu chảy, nôn mửa, co giật hay thậm chí tử vong.

Dù vậy, nguy cơ lớn nhất đến từ việc các sản phẩm giả có thể bị pha trộn tạp chất nhằm gia tăng lợi nhuận. Các đối tượng sản xuất hàng giả có thể sử dụng thiết bị đóng gói hiện đại, nhờ đó hạn chế được nguy cơ nhiễm bẩn do môi trường sản xuất. Tuy nhiên, bản thân nguyên liệu bị pha trộn mới là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng, siêu thị uy tín và kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ để hạn chế tối đa nguy cơ sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sản phẩm hạt nêm, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau sau đó xử lý và đóng gói. (Ảnh: CACC)

Sản phẩm hạt nêm, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau sau đó xử lý và đóng gói. (Ảnh: CACC)

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty Famimoto Việt Nam (địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, TP Việt Trì) sản xuất, đóng gói và tiêu thụ lượng lớn thực phẩm giả. Qua khám xét, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm và 9 tấn bột canh.

Kết quả cho thấy, công ty này bán ra thị trường khoảng 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, hơn 1.220 tấn mì chính do Famimoto phân phối có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn nhãn mác.

Theo cơ quan công an, Công ty Famimoto thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn, sau đó sang chiết, phối trộn, đóng gói thành các sản phẩm như bột ngọt Boat Brand (gắn mác xuất xứ Singapore), bột ngọt Famimoto (công nghệ Nhật Bản), dầu ăn thượng hạng Boat Brand, dầu thực vật Fami Gold, bột canh cao cấp Hà Nội và hạt nêm Bếp Hồng Việt. Tất cả các sản phẩm đều do công ty tự công bố chất lượng.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cho thấy thành phần dinh dưỡng trong các sản phẩm này không đạt so với tiêu chuẩn công bố hoặc ghi trên nhãn.

Đáng chú ý, các sản phẩm giả của Công ty Famimoto chủ yếu tiêu thụ vào các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người lao động.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân và các đơn vị tổ chức bếp ăn không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, đồng thời đề nghị địa phương phối hợp với công an xử lý vụ việc.

Các tin khác

Những dự án động lực đưa Sóc Trăng vươn ra biển lớn

Với vị trí chiến lược tại vùng ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai hàng loạt dự án động lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Vượt thu ngân sách, Huế dự chi như thế nào?

Năm 2024, TP. Huế thu ngân sách đạt 13.070 tỷ đồng, vượt 11% so với dự toán của HĐND thành phố giao, với nguồn vượt thu lên đến khoảng 1.080 tỷ đồng. Địa phương này vừa lên phương án dự chi nguồn vượt thu ngân sách kể trên.

Tiền vào chứng khoán thấp nhất 2 tháng

Sức mua kém khiến thanh khoản đạt 14.000 tỷ đồng, thấp nhất 2 tháng qua, nếu không tính phiên "không ai bán" khi thị trường hồi phục sau biến động thuế quan.