Vận hành liên tục là yếu tố sống còn với ngân hàng
Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dữ liệu lớn là yếu tố cần thiết để đảm bảo hoạt động liên tục của ngành ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, đề nghị các lãnh đạo ngân hàng chú ý hai vấn đề là đảm bảo sự hoạt động liên tục và đảm bảo an ninh an toàn. “Mất dữ liệu, không có dự phòng thì không thể hoạt động liên tục”, ông nói.
Phó Thống đốc thông tin rằng Luật Tổ chức tín dụng đang sửa đổi sẽ yêu càu ngân hàng xây dựng kịch bản cho tình huống bất thường, nếu không sẽ không không thể xử lý nổi khi khủng hoảng xảy ra.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng, cho biết cách đây 5 năm, ngân hàng ông chỉ xử lý 3 triệu giao dịch/tháng. Nhưng đến nay, ngân hàng ông đã có 100 triệu giao dịch/tháng và nếu chỉ cần hệ thống dừng vài phút, hàng chục nghìn hàng trăm nghìn khách hàng bị ảnh hưởng.
“Và khách hàng thì họ không kiên nhẫn. Hiện giờ có rất nhiều lựa chọn khác nhau để sử dụng. Do đó, điều cốt yếu và sống còn của ngân hàng là phải đảm bảo không có gián đoạn, vận hành liên tục”, ông Hưng nói.
Không chấp nhận giao dịch không chính chủ
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng yêu cầu các ngân hàng tập trung làm sạch, số hóa dữ liệu đã có. Có trên 120 triệu tài khoản thanh toán nhưng nhiều tài khoản được mở bằng chứng minh thư, căn cước không có chip.
Tiếp đó, ông đề nghị ngân hàng ứng dụng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Theo Phó Thống đốc, trong quá trình thực hiện giao dịch, cần đảm bao người thực hiện giao dịch đúng là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng, theo đúng như câu nói của Đại tướng Tô Lâm “đúng - đủ - sạch - sống”.
“NHNN chắc chắn sẽ đưa ra thông điệp rất cứng rắn: không chấp nhận giao dịch mà người thực hiện không phải là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng”, ông nhấn mạnh.
Phó Thống đốc khẳng định để giao dịch phải đúng chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản ủy quyền để đảm bảo việc không sử dụng dịch vụ ngân hàng vào hoạt động bất hợp pháp.
Ông tiết lộ rằng NHNN đang sửa đổi Nghị định 630, theo đó với một mức tiền nhất định phải đảm bảo người giao dịch là chủ tài khoản. Nghị định này dự kiến sẽ áp dụng đối với cả các công ty ví điện tử.
Cho vay dựa trên dữ liệu thanh toán hóa đơn
Theo ông Dũng, ngân hàng cung cấp 3 hoạt động chính là huy động vốn, cho vay, thanh toán. Tiết kiệm đã hoàn toàn điện tử, đối với hoạt động cho vay, ngày 1/9 đã có thông tư cho phép cho vay trên môi trường điện tử với hạn mức là 100 triệu đồng. Về hoạt động thanh toán, hiện đã có khoảng 75% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.
“Để cho vay trên môi trường điện tử cần trả lời hai câu hỏi, thứ nhất anh là ai, thứ hai uy tín của anh như thế nào, trả nợ làm sao. Nếu muốn trả lời hai câu hỏi này, chỉ có thể là dữ liệu số”, ông nói.
Phó Thống đốc nhận định: “Cho vay kênh số cần trả lời được câu hỏi quan trọng nhất là khả năng trả nợ”. Ông đề xuất khai thác những dữ liệu như nộp bảo hiểm xã hội, thuế, thanh toán hóa đơn điện thoại … để đánh giá khách hàng cho vay.
Về câu chuyện dữ liệu, đại diện TPBank cho biết xu hướng ngân hàng mở có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng.
Ngân hàng mở là mô hình cho phép ngân hàng (dưới sự đồng ý của khách hàng) được quyền chia sẻ thông tin tài chính an toàn với các tổ chức khác qua các giao thức mở (API/SDK ..) để từ đó tạo ra cơ hội cung cấp dịch vụ cho KH một cách toàn diện
Ngân hàng luôn coi trọng vấn đề bảo mật thông tin khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng mở lại cần phải chia sẻ thông tin. Do đó, ngân hàng cần đáp ứng tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo an toàn thông tin khách hàng và nhận được sự đồng thuận của khách hàng.