Là chủ nợ lớn nhất của FLC, mới đây, ngày 22/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãnh đạo nhà băng này đã chia sẻ thông tin liên quan đến việc xử lý nợ xấu và các khoản nợ liên quan đến "hệ sinh thái" của CTCP Tập đoàn FLC.
Theo đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đối với khoản vay của FLC (bao gồm cả Bamboo Airways), ngân hàng đang cho vay khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Ngoài cổ phiếu, các khoản vay này còn được bảo đảm bằng nhiều dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết thêm ngân hàng đang cho vay đối với riêng FLC là khoảng 3.200 tỷ đồng, hiện đã thu hồi 2.600 tỷ đồng và trong vòng một tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay của tập đoàn này.
Ông Minh nhấn mạnh thêm, khoản nợ của FLC thực tế rất tốt, song vì sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm.
Sacombank đã thu hồi 2.600 tỷ đồng nợ vay của FLC
Còn trong Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức ngày 23/4, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, những năm qua ngân hàng đã cho một số nhà phát triển bất động sản vay như FLC, Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land.
Theo đó, riêng FLC là tập đoàn có nhiều dự án triển khai ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Bình Định, Thanh Hóa. OCB cho Tập đoàn FLC vay chủ yếu tập trung 2 dự án ở Quảng Ninh.
Khi cho vay, ngân hàng căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay. Các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản với giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Các bất động sản ngân hàng nhận thế chấp có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai.
OCB cho rằng, FLC là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên khi xảy ra sự kiện nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, ngân hàng xác định đây là sự kiện rủi ro lớn không chỉ với FLC mà còn ảnh hưởng đến đối tác của FLC và đang thương thảo thu nợ trước hạn 1.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, trả lời về kế hoạch thu nợ Tập đoàn FLC. Ảnh: A.H.
"OCB xem đây là sự kiện quan trọng và đã tăng cường kiểm soát dòng tiền để đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng. Như chúng tôi đã nói, OCB chủ yếu cho Tập đoàn FLC vay tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Ở hai dự án này, số hàng đã bán và khách hàng đang chuẩn bị trả cho Tập đoàn FLC khoảng 2.400 tỷ đồng, do vậy FLC dư khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho Bamboo Airways vay 1.000 tỷ đồng. Giống như Sacombank, hiện OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ đồng của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên có vài dự án FLC đang triển khai và chuẩn bị chuyển giao cho khách hàng, ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho FLC triển khai để họ bán và thu tiền về.
Đối với Bamboo Airways, nếu hãng hàng không này vẫn hoạt động tốt thì ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay chứ không thu hồi nợ sớm. Hiện vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước" - Tổng giám đốc OCB cho biết.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. FLC cho biết đang nợ một số ngân hàng như Sacombank với hơn 1.840 tỷ đồng, BIDV là hơn 1.747 tỷ đồng, OCB 1.392 tỷ đồng, NCB 634 tỷ đồng, Agribank 169 tỷ đồng…
Hiện tại ngoài Sacombank và OCB đã đưa ra thông tin về việc thu hồi nợ của FLC, các chủ nợ còn lại vẫn chưa công bố các kế hoạch liên quan đến khoản vay của tập đoàn này.
Trước đó, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam không lâu, đại diện NCB cho hay các khoản nợ của FLC đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định để thu hồi nợ. Còn phía BIDV từ chối phát ngôn khi cho rằng ông Trịnh Văn Quyết bị bắt liên quan đến cá nhân, trong khi FLC là doanh nghiệp và ngân hàng xét duyệt cho vay theo quy định. Việc rủi ro cho khoản nợ như thế nào cần có thêm thời gian theo dõi.