Phải đợi bao lâu để có căn bếp trong mơ? Đó là câu hỏi mà nhiều chị em khi đi thuê nhà thường thắc mắc vì quá lưỡng lự giữa việc nên hay không nên cải tạo lại cho đúng và đẹp với ý thích của mình.
Thế nhưng bất kì ai tới nhà chị Thùy Dương (hay còn biết tới là food stylist, food blogger Meo Thuỳ Dương) hiện đang sống tại Sài Gòn đang thuê đều có chung một thắc mắc: Sao đi thuê nhà mà đầu tư thế? Chủ nhà lấy lại nhà thì bao nhiêu tiền mất hết! Phí thế có phải nhà mình đâu mà bày vẽ?
Tuy nhiên, chị Thùy Dương lại xác định là mình còn đi thuê dài dài. Chẳng biết đến bao giờ chị mua được nhà để xây một khu bếp đẹp thì chẳng nhẽ lại không nấu ăn nữa.
Không gian căn bếp trước khi được cải tạo lại.
Mọi thứ đều trống không, khá nhàm chán.
Chị Thùy Dương trong không gian căn bếp cũ, trước khi được bắt tay vào làm mới.
"Tính mình mê đồ đẹp, không gian không đẹp không chịu được nên đi đến đâu đều xây bếp cho nhà người ta đến đấy. Với mình bếp là nơi tiếp đãi bạn bè, là nhìn kiềng bếp ga rừng rực lửa, là nơi mình sẽ lau mặt đá marble đến khi sáng bóng soi gương cũng thấy hạnh phúc.
Nếu vui vẻ với căn nhà của mình thì làm gì cũng có tâm trạng tốt. Cho nên chi tiền để nuôi dưỡng cảm xúc của mình cũng là một khoản đầu tư, miễn sao phù hợp với tình trạng kinh tế", chị Thùy Dương chia sẻ.
Cuối cùng sau nhiều ngày cải tạo thì chị Thùy Dương cũng có một căn bếp với diện tích 65 mét vuông mà mình ao ước. Chị Dương vẽ từng ngóc ngách giải thích cho kiến trúc sư, rồi thay đổi chiều dài độ cao ra sao.
"Để xây căn bếp này mình mất 2 tháng và số lần sửa đồ thì vô kể, sơn đi sơn lại, khoan vào rồi vá rồi lại khoan.
Vì kiểu thiết kế của mình đặc biệt quá và họ không có số đo nhất định. Mọi thứ phải tính toán dựa trên thói quen sử dụng và nhu cầu thật sự của gia đình. Ví dụ như tủ cabinet trong bếp quá cao vì trần nhà những 3,2m, mình tháo ra sửa 3 lần. Dù vất vả nhưng khi hình thành thì cảm thấy rất xứng đáng".
Toàn bộ không gian bếp được sử dụng tone màu trắng và nâu, chị Thùy Dương lấy ý tưởng từ phong cách thiết kế scandinavian.
Căn bếp với diện tích 65 mét vuông mà chị ao ước gồm không gian nấu, bàn ăn và khu vực nghỉ ngơi cho khách.
Chị Dương tiết lộ, bản thân và kiến trúc sư phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới ra được thành quả đẹp như hiện tại.
Phần bếp nấu và tủ lưu trữ đồ bếp ai nhìn cũng thích mê.
Có 2 lý do để chị Thùy Dương cầu kì thiết kế là vì muốn mọi ngóc ngách đều ưng ý để sử dụng cho thoải mái và lựa chọn chất liệu mình tốt có độ bền phù hợp và thẩm mỹ nhất.
1. Cải tạo xong sử dụng sẽ thoải mái
Trước khi mình đến thuê căn phòng này màu tường tối và thiếu sáng nên đã sửa toàn bộ sang tone trắng. Nội thất cũng vì thế mà chỉ có ghi và trắng thôi. Chị Thùy Dương thích nhà cửa sáng như style scandinavian nên cũng phải đi khắp nơi lượm lặt mỗi chỗ 1 tý mới hợp với nhau.
Công việc của chị cũng liên quan bếp núc và thường ở trong nhà, nên được trong bếp là niềm vui. Ở đây chị có thể thoải mái làm đủ thứ. Một người dành ít nhất 10 tiếng/ngày trong bếp như chị Thùy Dương thì bếp xứng đáng được đầu tư.
Từ trên cao nhìn xuống căn bếp.
Chị Dương có hẳn 1 tủ lưu trữ kịch trần cho các món đồ bếp của mình.
Bàn ăn đơn giản nhưng hiện đại, hợp xu hướng.
Tủ có kèm thang để chị dễ dàng tìm kiếm và lấy đồ sử dụng.
2. Thiết bị và chất liệu ưng ý, thuận tiện để sử dụng
Chất liệu bếp đối với chị Thùy Dương rất quan trọng. Chị hạn chế hết mức có thể không sử dụng đồ nhựa vì không bền và lại hại môi trường. Dùng chất liệu đắt nhưng bền vững và có ý thức giữ đồ hơn. "Lúc thì mình đi Hàn mua đồ IKEA, lúc thì mua Muji, không thì order hàng thiết kế của Trung Quốc, một số bên nào bán đồ của Việt Nam mà đẹp mình lại nhặt nhạnh nữa. Lâu dần nó thành thói quen, đi đâu cũng soi đồ xong tưởng tượng nó có hợp với nhà mình không.
Như bình thường vòi lọc nước luôn bên cạnh vòi rửa trên sink. Mình không thoải mái với việc nước uống cạnh vòi rửa lắm nên nghĩ ra kiểu khác người là khoan thẳng lên đá. Thế rồi nếu ai đến nhà chơi mà muốn uống nước thì cũng không phải đứng lùi ra cho họ lấy nước mà vẫn ung dung rửa rau bên cạnh. Thành ra trông khác người nhưng lại có cá tính riêng ấy", chị Dương chia sẻ thêm.
Bên trong tủ đựng của căn bếp.
Một số hình before - after của căn bếp sẽ giúp mọi người dễ dàng so sánh lúc trước và sau khi thi công căn bếp này của chị Thùy Dương sẽ khác biệt như thế nào.
Chị Dương vẫn cho rằng, nhà là của gia chủ nhưng khi đi thuê thì vẫn còn không gian sống thoải mái. Dù khi chị chuyển đi chủ nhà cũng vui vì được thừa hưởng 1 chút.
Trong nhiều năm đi thuê nhà, được sống theo cách mình thích vẫn khiến chị Thùy Dương vui vẻ.
"Đằng nào thì thuê nhà không nội thất giá rẻ hơn có đồ 10-20% nên cứ lấy đó ra mà làm khấu hao. Mình cứ nghĩ đơn giản vậy thôi".
Chị Thùy Dương trong không gian bếp của gia đình.
Góc đọc sách, chill cho khách trong không gian bếp.
Ảnh: NVCC