Thông tin do ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital chia sẻ tại Investor Day 2025 với chủ đề "Tăng trưởng cùng Rồng" ngày 11/1.
Năm 2025 được dự báo là một năm triển vọng tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam, với kỳ vọng về việc tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công. Các nhóm ngành nổi bật bao gồm IT, Bán lẻ, Ngân hàng với tiềm năng tăng trưởng rõ rệt, cùng các ngành hưởng lợi từ đầu tư công như Thép, Xây dựng và Công nghiệp. Bên cạnh đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường và việc triển khai hệ thống KRX sẽ tạo cú hích đáng kể.
Đầu tư công - điểm sáng dẫn dắt thị trường
GDP của Việt Nam hiện cấu thành từ ba phần chính: tiêu dùng (60%), đầu tư (31%) và xuất nhập khẩu (8 - 9%). Tiêu dùng là động lực chính, nhưng đầu tư và xuất nhập khẩu cũng đóng vai trò quan trọng.
Về xuất nhập khẩu, năm 2025 dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc đạt tăng trưởng bứt phá, do thương mại toàn cầu có nguy cơ chậm lại bởi các chính sách thuế quan từ các quốc gia lớn. Tuy nhiên, tác động đến GDP có thể không quá tiêu cực, khi xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu cũng có xu hướng giảm mạnh hơn, dẫn tới cán cân thương mại tương đối ổn định.
Động lực thứ hai là đầu tư, lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện đáng kể. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8-10% trong những năm tới.
Hiện tại, hệ số ICOR của Việt Nam đang ở mức 5 - 6, cho thấy cần nhiều vốn để tạo ra 1 đồng GDP. Mục tiêu là giảm hệ số ICOR xuống mức 2 - 4, tương đương với thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính và số hóa cũng đang mang lại những tín hiệu tích cực, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. "Đây là những bước cần thiết để tiến tới một kỷ nguyên phát triển mới", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhận định đầu tư công dự kiến bứt phá trong những năm tới, với nhiều dự án trọng điểm sẽ được hoàn thành và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Đơn cử, tuyến metro số 1 đã đi vào vận hành, mang lại sự tiện lợi rõ rệt cho người dân TP. Hồ Chí Minh. Dự án sân bay Long Thành, với tiến độ được đẩy nhanh, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, sớm hơn kế hoạch ban đầu 6 tháng, minh chứng cho sự quyết tâm của Chính phủ. Bên cạnh đó, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng dự kiến khởi công vào năm 2025, thay vì năm 2027 như kế hoạch trước đó.
"Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân", ông Tuấn khẳng định. Đây là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt bậc khi đạt được lòng tin và kích thích sự tham gia từ khu vực tư nhân.
Ở lĩnh vực tiêu dùng, ông Tuấn đánh giá sức mua nội địa cũng cần tăng trưởng 10 - 12% để đóng góp vào sự phục hồi kinh tế. Hiện nay, mức tiêu dùng chỉ tăng ở mức 8 - 9%, cần có sự phục hồi mạnh mẽ hơn.
Nếu đầu tư công được đẩy mạnh và tiêu dùng nội địa gia tăng đồng bộ, nền kinh tế hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng hai con số, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện.
Ba kịch bản cho tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp
Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, ông Tuấn đưa ra ba kịch bản chính. Kịch bản cơ sở với xác suất 55 - 60%, dự báo tăng trưởng lợi nhuận đạt 15 - 17%. Điều này có thể xảy ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhưng các vấn đề trong nước, đặc biệt là nút thắt ở lĩnh vực bất động sản, được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân tín dụng và kích thích tiêu dùng cá nhân.
Kịch bản thứ hai, trong trường hợp chính sách bảo hộ thương mại gia tăng dưới thời kỳ "Trump 2.0", có thể làm tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, chỉ đạt khoảng 5 - 7,5%.
Ở tình huống lạc quan nhất, lợi nhuận doanh nghiệp có thể vượt kỳ vọng, tăng trưởng từ 18 - 30%. Điều này có thể xảy ra nếu đầu tư công thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế và các chính sách thương mại của Mỹ cùng chính sách tiền tệ toàn cầu có những điều chỉnh tích cực. Xác suất cho kịch bản này vào khoảng 15 - 20%.
Ông Tuấn cũng nhận định rằng 2025 - 2026 sẽ là giai đoạn bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi yếu tố tăng trưởng và định giá hợp lý.
Đầu tư đa kênh, đều đặn
Về chiến lược đầu tư, ông Tuấn khuyến nghị phân bổ tài sản đa dạng để tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý rủi ro.
Ông đánh giá vàng ở mức 2,5/5 điểm, xem đây là kênh đầu tư trung bình với vai trò phòng thủ. Bất động sản và chứng khoán được xếp cao hơn, với mức 3,5 - 4,0 điểm, nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh. Với trái phiếu, ông đánh giá ở mức 3/5 điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân nên ưu tiên đầu tư qua các quỹ nhằm đảm bảo an toàn và tính thanh khoản.
Cùng với đó, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Giám đốc Nghiệp vụ Cấp cao, lĩnh vực Chứng khoán cũng đã chia sẻ nhiều thông tin đầu tư hữu ích đến những người tham dự.
Theo ông, từ năm 2023 đến nay, DCDS áp dụng chiến lược "nhất quán, kiên định", chọn lựa những doanh nghiệp có triển vọng tốt và định giá hợp lý trong bối cảnh phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh sự linh hoạt trong chiến lược, đặc biệt là khi điều chỉnh tỷ trọng đầu tư vào các ngành như bất động sản, tùy thuộc vào diễn biến thị trường và các yếu tố tác động từ các chu kỳ kinh tế.
Trong năm 2024, thị trường bất động sản đã dần phục hồi, nhưng cổ phiếu ngành này vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Đến năm nay, Dragon Capital dự kiến sẽ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu bất động sản khi thị trường này thực sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Đối với DCDE, ông Nguyễn Sang Lộc - Giám đốc Nghiệp vụ Quản lý Danh mục của Dragon Capital cho biết: Chiến lược của quỹ là kết hợp giữa việc đầu tư vào các cổ phiếu có cổ tức ổn định, mang tính an toàn và những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư mong muốn vừa có thu nhập ổn định, vừa gia tăng tài sản dài hạn. Quỹ duy trì tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu ổn định (65 - 70%) và sẽ điều chỉnh tỷ trọng linh hoạt để tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời giảm thiểu rủi và phù hợp với biến động của thị trường.
Cả hai quỹ đều hướng đến việc duy trì một chiến lược đầu tư dài hạn ổn định, trong khi vẫn đảm bảo sự linh hoạt và kịp thời để thích ứng với các thay đổi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Trước khi kết thúc tọa đàm, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí - khách mời đặc biệt của Investor Day, một trong 30 nhân vật nổi bật có mặt trong cuốn sách "Sống như nhà đầu tư" do Dragon Capital phát hành, đã đến và chia sẻ.
Anh cho rằng, dù là đầu tư hay thời trang, kiên định với tầm nhìn dài hạn luôn là yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa giá trị trong tương lai. Bên cạnh đó, biết cách chọn ‘điểm rơi’ thích hợp và quyết liệt thực hiện cũng là những yếu tố cần thiết để thành công. Nhà thiết kế cũng nhận thấy điểm chung giữa bản thân và Quỹ Dragon Capital là không chỉ đánh giá dựa trên giá trị hiện tại, mà còn chú trọng đến tương lai.
Hơn ba thập kỷ qua, ngoài việc quản lý dòng tiền đầu tư, Dragon Capital còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của con người và đất nước Việt Nam.