Sang năm 2025, khi các rủi ro vĩ mô như tỷ giá và áp lực từ khối ngoại dần được giải tỏa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mở ra triển vọng mới. Niềm tin thị trường dự kiến phục hồi đáng kể, đặc biệt vào nửa sau năm 2025, khi các yếu tố tích cực từ chính sách vĩ mô, cải cách pháp lý, và sự tăng trưởng doanh nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả, cùng với cơ hội nâng hạng thị trường.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám Đốc Khối Nghiên cứu đầu Tư FIDT dự báo, lợi nhuận năm nay sẽ khả quan, với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến đạt 16%. Các ngành chủ lực như ngân hàng, bất động sản và côngnghệ thông tin sẽ là động lực chính:
Ngành ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM) sẽ thúc đẩy lợi nhuận, với mức dự báo tăng trưởng 17%.
Ngành bất động sản nhiều khả năng phục hồi đáng kể nhờ chính sách pháp lý hoàn chỉnh và nhu cầu nhà ở tăng cao. Doanh nghiệp bất động sản nói chung đã trải qua ba năm 2022 - 2024 đã tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, với cổ phiếu bất động sản trên sàn, cơ hội sẽ không dành cho tất cả, do không phải đơn vị nào cũng thoát khỏi được khó khăn. Năm 2025, doanh nghiệp nào có nội lực vượt qua được khó khăn và có dự án mở bán sớm sẽ đáng chú ý và tiềm năng bứt phá.
Với ngành công nghệ thông tin, xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu dịch vụ công nghệ cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đạt 20%. “Những doanh nghiệp công nghệ như FPT đạt tăng trưởng 20-30% là không khó”, ông Huy nhận định.
Lĩnh vực nữa mà FIDT đang quan tâm là thép, với câu chuyện đầu tư công.
“Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 16% trong 2025 (kịch bản cơ sở), P/E của thị trường chứng khoán ở 11 lần (hiện khoảng 13 lần), là cơ hội đầu tư tương đối rõ ràng”, ông Huy nhấn mạnh.
FIDT khuyến nghị với hiệu suất mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng vượt trội, thị trường chứng khoán Việt Nam nên là kênh đầu tư trọng tâm trong năm 2025. So với các phân lớp tài sản khác, thị trường chứng khoán Việt Nam mang lại cơ hội tăng trưởng cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và các yếu tố vĩ mô thuận lợi.
Theo Giám đốc Khối Phân tích Đầu tư FIDT, trong ngắn hạn, thị trường vẫn có thể giảm điểm, song điều này càng mở ra những cơ hội lớn hơn. VN-Index có thể đóng cửa năm 2025 trên mức 1.300 điểm, thậm chí 1.400 -1.500 điểm ở kịch bản lạc quan hơn. Tổng quan, triển vọng thị trường chứng khoán năm nay sẽ “tiền hung, hậu cát”.
Điều này nghĩa là đầu năm thị trường diễn biến tiêu cực, như đã chứng kiến trong những phiên đầu tháng 1 khi VN-Index giảm, thanh khoản suy yếu.
Nguyên do đây là giai đoạn chuyển giao, thị trường đang chờ đợi xác nhận nhiều yếu tố như: Tổng thống Mỹ Dolnald Trump lên nắm quyền và sẽ có chính sách đối với Việt Nam như thế nào; Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất hay không để chống lại sự mạnh lên của USD; và kỳ nghỉ tết âm lịch kéo dài.
Lời khuyên đến nhà đầu tư, ông Huy cho rằng nên tạm thời quên đi những tiêu cực trong ngắn hạn để quan sát xa hơn sẽ thấy cơ hội rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh không khẳng định thị trường còn rơi nữa hay không bởi cổ phiếu phụ thuộc vào dòng tiền, nhà đầu tư vẫn chờ đợi thì dòng tiền sẽ không vào thị trường và VN-Index có thể còn rơi tiếp.
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng, một số rủi ro quan trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của thị trường. Các yếu tố này cần được theo dõi sát sao để kịp thời ứng phó khi các biến số vượt khỏi vùng an toàn.
Đầu tiên là rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Việc áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump mạnh tay hơn dự kiến có thể gây rối loạn dòng vốn đầu tư toàn cầu. Điều này gây biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Hệ quả là, áp lực gia tăng lên tỷ giá, thanh khoản thị trường tài chính giảm sút, và xu hướng dòng vốn rút khỏi Việt Nam có thể trở nên nghiêm trọng hơn, làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là rủi ro lạm phát Mỹ tác động chính sách tiền tệ của Fed. Nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao, Fed có thể duy trì lãi suất USD ở mức cao và từ bỏ chính sách nới lỏng.
Kịch bản này sẽ gây ra nhiều hệ lụy. VND chịu áp lực mất giá do USD mạnh lên, khiến Ngân hàng Nhà nước khó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Không gian điều hành chính sách năm 2025 sẽ bị thu hẹp hơn, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Thứ ba là rủi ro thanh khoản và dòng vốn. Dòng vốn quốc tế có thể tiếp tục rút khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Điều này làm thanh khoản thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, suy giảm đáng kể.
Thứ tư là rủi ro suy yếu ngành bất động sản tiếp diễn. Một trong những ngành trụ cột của kinh tế Việt Nam có thể có thể không phục hồi như dự báo. Điều này gây tác động tiêu cực lan tỏa đến các ngành liên quan như ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, FIDT cũng nêu một thách thức khác đến từ sự suy yếu của bất động sản còn kéo giảm tăng trưởng GDP, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.