Tại sự kiện Investor Day 2025 tổ chức ngày 11/1, chuyên gia Dragon Capital nêu bảng đánh giá hiệu suất các kênh đầu tư với thang điểm tối đa là 5.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital cho rằng vàng có hiệu suất kém so với cổ phiếu, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, khi chỉ đạt mức 2 - 2,5 điểm. Nhìn dài hạn 10 - 50 năm, vàng không phải kênh đầu tư vượt trội so với các kênh khác.
Biến động giá vàng rất khó để đoán và hiệu suất đầu tư không cao như nhiều người nhận định. Bên cạnh đó, xét về mặt đầu cơ, vàng bị hạn chế bởi sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá. Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục cân nhắc điều hành, quản lý thị trường vàng.
Trong dự báo mới nhất, Goldman Sachs không còn cho rằng giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, mà lùi sang giữa 2026. Theo nhóm chuyên gia nhận định, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm lại có thể kéo tụt nhu cầu của các ETF vàng.
Trong khi đó, ông Tuấn đánh giá triển vọng của kênh cổ phiếu và bất động sản cao hơn, cùng đạt 3,5 - 4 điểm trong thang đo về hiệu suất đầu tư.
Với kênh bất động sản, ông Lê Anh Tuấn nhận định khi đặt tầm nhìn dài hạn vào cơ sở hạ tầng được kết nối đồng bộ, lĩnh vực địa ốc có nhiều tiềm năng. Dragon Capital lạc quan về thị trường bất động sản khi xuất hiện sự phục hồi rõ nét, như tại khu vực phía Bắc. Thời gian tới, việc tháo gỡ pháp lý được dự báo tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhà đầu tư có thể ghi nhận tiềm năng hiệu suất cao hơn ở một số khu vực chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở lợi nhuận trung hạn của các dự án mới sẽ gặp khó khăn do nền giá mở bán cao.
Với kênh chứng khoán, Dragon Capital cho rằng vĩ mô thế giới và chiến tranh thương mại có thể tạo ra biến động ngắn hạn. Mặt khác, cổ phiếu có thể hưởng lợi trước kỳ vọng hiệu suất thị trường song hành cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Triển vọng trung hạn của chứng khoán cũng ở mức cao, với việc Chính phủ quyết tâm cho mục tiêu tăng trưởng.
Ông Tuấn khuyến nghị ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ, gồm công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, thép hoặc công nghiệp.
Dự báo đến cuối năm 2025, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam về mức dưới trung bình 10 năm và P/B dự phóng cũng ở vùng thấp nhất trong 10 năm, cho thấy thị trường Việt Nam đang ở vùng định giá hấp dẫn.
Dự báo này được hỗ trợ bởi các thông tin như: 70% khả năng Việt Nam nâng hạng thị trường vào tháng 3/2025 (kỳ đánh giá của FTSE); hệ thống KRX - nền tảng cho sản phẩm mới và rút ngắn quy trình thanh toán; làn sóng IPO tiếp theo vào năm 2027 - 2028.
Trong kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ tăng 15 - 17%. Công nghệ thông tin (IT), ngân hàng, bán lẻ được dự báo tăng trưởng cao trong năm nay.
Ngoài ra, Dragon Capital đánh giá trái phiếu doanh nghiệp ở mức 3 trên thang 5 điểm về hiệu suất. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn có tỷ lệ hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, song đồng thời rủi ro cũng cao hơn. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn trái phiếu để đảm bảo an toàn và thanh khoản.
Ba kịch bản tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp
Về bối cảnh nền kinh tế, theo ông Tuấn, nếu chi tiêu đầu tư công hiệu quả , tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có hai kịch bản.
Đầu tiên, giả sử chính sách thương mại của Mỹ quyết liệt, điều chỉnh chính sách tiền tệ từ mức vừa phải đến tăng 150 điểm cơ bản, tăng trưởng GDP của Việt Nam khó bứt quá, chỉ khoảng 6,5 - 7%. Tuy nhiên, ở trường hợp còn lại, nếu chính sách tài khóa có mục tiêu và chọn lọc, giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, con số tăng trưởng có thể đạt 7,5 - 9%.
Khi đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cho năm 2025 sẽ có ba kịch bản. Đầu tiên, nếu chính sách bảo hộ thương mại xảy ra, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 dự kiến chỉ tăng 5 - 8%. Lúc này, các nền kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể do tác động của chiến tranh thương mại, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn.
Trường hợp thứ hai, khi kinh tế toàn cầu giảm tốc nhưng tránh được suy thoái, các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam được tháo gỡ, ngân hàng sẽ tự tin giải ngân tín dụng. Từ đó, tiêu dùng cá nhân sẽ được cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15 - 17%.
Trong kịch bản thứ ba, đầu tư công tạo động lực thực sự và niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, kích thích tài khóa. Khi đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt 18 - 25%.