Tài chính

Rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo, giá USD có thể tăng lên bao nhiêu?

Trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán MBS cho rằng, rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo ngại lớn trong năm 2025.

Theo MBS, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ghi nhận ở mức 3,6% vào cuối năm 2024. Với dư địa hạn chế cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhóm phân tích không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025 và kỳ vọng lãi suất đầu vào sẽ dao động trong khoảng 5% - 5,2%.

Các chuyên gia của MBS cho rằng, những bất ổn liên quan đến ‘Trump 2.0’ có thế dẫn đến viêc gia tăng giá trị của đồng USD, do đó kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong Quý 1/2025.

Cụ thể, sự thận trọng trong tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed đã khiến DXY tăng vọt sau khi Fed quyết định giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Động thái này đi kèm với thông điệp thận trọng liên quan đến chính quyền Trump sắp tới. Do đó, các quan chức Fed dự kiến sẽ chỉ có hai lần giảm lãi suất trong năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng vững chắc và lạm phát vẫn chưa đạt mức mục tiêu với CPI tháng 11 ở mức 2,7%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi, với GDP quý 3 tăng 3,1% nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Chỉ số DXY đã giữ đà tăng đều đặn trong ba tháng vừa qua, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng các chính sách của Tổng thống Donald Trump về việc nới lỏng tài khóa, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy lạm phát. Trong bối cảnh này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng tại 4,6% vào cuối tháng 12. Điều này cũng đã góp phần giúp hỗ trợ Đồng bạc xanh tăng 2.6% trong tháng, lên mức 108,5 vào cuối tháng 12.

Thực tế, tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm kể từ tháng 3/2024. Áp lực tỷ giá có lúc chạm đến đỉnh điểm vào tháng 5 khi chạm mức 25.470 VND/USD, đánh dấu mức mất giá khoảng 4,6% tính từ đầu năm nay, khi đối mặt với sức ép từ việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm, nhu cầu về USD tăng vọt nhằm phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên liệu và tích trữ đầu cơ.

Sau khi vật lộn với áp lực mất giá, VND đã dần phục hồi đáng kể từ giữa tháng 9/2024, sau đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay với mức 50 điểm cơ bản của Fed – đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm. Tuy vậy, điều nay diễn ra không lâu khi tỷ giá lại một lần nữa tăng nóng trở lại trong quý 4 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhằm gia tăng sản xuất cho mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của KBNN cũng tăng cao trong giai đoạn này do phải chi trả các nghĩa vụ nợ. Cho đến tháng 12, áp lực tỷ giá vẫn căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD, và đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất lịch sử tại 25.485 VND/USD vào cuối tháng 12.

Tính từ đầu năm 2024, đồng VND đã mất giá hơn 4,6% so với đồng USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng vào năm 2016 tại 24.335 VND/USD, tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024. Trong bối cảnh này, NHNN đã phải cung ứng ra thị trường lượng lớn ngoại tệ và linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống ngân hàng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

"Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý 1/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025", báo cáo nêu.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (~24,77 tỷ USD trong năm 2024), dòng vốn FDI (25,35 tỷ USD, +9,4% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+39,5% trong năm 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm