Đằng sau tăng trưởng tín dụng đột biến
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Con số này gây không ít bất ngờ bởi tín dụng tăng vọt trong tháng 6.
Cụ thể, với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ở mức 13,569 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm là hơn 810.000 tỷ đồng. Trong khi trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6.
Điều đó có nghĩa, chỉ riêng trong tháng 6, gần 500 nghìn tỷ đồng đã được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế, còn nhiều hơn mức tăng được trong 5 tháng trước đó. Riêng 2 tuần cuối tháng 6, lượng dư nợ tín dụng tăng thêm là xấp xỉ 300 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, TS Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, có nhiều người sẽ đặt câu hỏi, liệu có sự bất thường đằng sau con số tăng trưởng tín dụng hay không. "Không loại trừ có yếu tố bất thường là có những nhu cầu vốn không chính đáng. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng vẫn có thật và có cơ sở", ông nói.
Vị chuyên gia phân tích, những chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế, phí đã bắt đầu thẩm thấu, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cho mảng chứng khoán cũng rất cao. Thị trường bất động sản có sự phục hồi ở một số phân khúc, giao dịch sôi động và nhu cầu cá nhân vay mua nhà để ở khi lãi suất thấp rất nhiều. Nhiều lĩnh vực có điểm sáng như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, bất động sản khu công nghiệp cũng mang đến sự hứng khởi, thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng. Do đó, tín dụng tăng nhanh trong tháng 6 là có cơ sở, phần lớn là tăng trưởng thực.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn chủ yếu tập trung cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, trong khi nhóm bán lẻ còn thấp. "Hy vọng là thời gian tới, nhu cầu vay cá nhân, vay tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn, nhất là khi các ngân hàng đang tích cực ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình và đưa ra nhiều sản phẩm linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vay vốn đa dạng của người dân. Chẳng hạn như ngân hàng hiện nay có thể duyệt cho vay thấu chi, cho vay tiêu dùng tự động, với mức cho vay khá cao, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng,...Hơn nữa, lãi suất cho vay đang rất thấp sẽ kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn. Chủ trương của Chính phủ và NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng", TS Châu Đình Linh nhận xét.
Ông cũng cho rằng, nguyên nhân tín dụng khách hàng cá nhân suy yếu thời gian rồi cũng không hẳn là diễn biến tiêu cực. Lý do vay cá nhân thiếu sôi động một phần do phân khúc đầu cơ suy yếu, việc tiền tạo ra tiền không còn nhanh chóng và dễ dàng như trước. Điều này hướng tới việc vay vốn của cá nhân thực chất hơn. Vì vậy, về lâu dài thì đó là câu chuyện tốt.
Dự báo nửa cuối năm, ông đánh giá tín dụng có thể tăng trưởng tốt hơn. Những tháng qua, lãi suất huy động cũng đã có xu hướng tăng đồng loạt do nhiều ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm. Xu hướng này không chỉ xảy ra ở các ngân hàng nhỏ mà có sự gia tăng khá đồng đều ở các ngân hàng lớn. Tất nhiên, mức tăng lãi suất huy động ở từng nhóm ngân hàng vẫn có sự khác biệt, thường thì các ngân hàng nhỏ tăng mạnh hơn.
Không loại trừ có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ
Nhận xét về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, vị chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý đã làm rất tốt, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường. Tuy nhiên, áp lực nửa cuối năm là rất lớn và không ngoài khả năng sẽ sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
"Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát. Tuy lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng đang có xu hướng gia tăng, bên cạnh đó còn là câu chuyện tỷ giá, do đó từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đối diện với nhiều thách thức", vị chuyên gia cho biết. Sau những công cụ trên thị trường mở OMO, trên liên ngân hàng, thì bước tiếp theo không loại trừ khả năng có thể phải tăng lãi suất điều hành. Mức tăng như thế nào còn phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô.
"Khó tránh được phải có một chính sách tiền tệ khác đi so với 6 tháng đầu năm nay", ông nhấn mạnh thêm.
Phân tích sâu hơn về tỷ giá, TS Châu Đình Linh cho rằng, thách thức vẫn còn rất lớn và nhiều điều còn phải theo dõi, tuy nhiên hiện tại NHNN vẫn đang điều hành rất hiệu quả, có nhiều nguồn lực để ứng phó, thậm chí là có thể thuận lợi hơn nếu FED sớm giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có dòng tiền kiều hối rất tích cực, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. Có thêm nguồn cung ngoại tệ sẽ giúp điều phối thị trường ngoại hối thuận lợi hơn.
Ông cũng lưu ý tình hình giải ngân của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc ngoại giao kinh tế hết sức quan trọng thời điểm này để thu hút nguồn ngoại tệ này, cân đối với dòng tiền ngoại tệ từ Việt Nam chảy ra nước ngoài. Hiện tại chênh lệch lãi suất VND - USD cũng đang khiến một lượng tiền lớn chảy sang nước khác. "Nhìn vào thị trường chứng khoán, chúng ta có thể thấy hoạt động bán ròng diễn ra đáng kể".