Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư trực tiếp ước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 5 tháng đầu năm với gần 3 tỷ USD, chiếm gần 26% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (1,05 tỷ USD). Nhìn lại 4 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản cũng đạt hơn 2,8 tỷ USD trong khi cùng kỳ chỉ đạt 778 triệu USD.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản - ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững.
Nhìn lại bức tranh đầu tư từ sau cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc năm 2013, lượng vốn FDI mới đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm; trong đó vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, thị trường bất động sản vẫn hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Thành nhận định, thị trường bất động sản tất yếu sẽ trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, đặc biệt bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút vốn.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, bức tranh bất động sản Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới thực sự rất nhỏ bé. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm nóng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hongkong. Trong thời điểm kinh tế chao đảo nhất, nhóm này được tạm xem là tứ trụ trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.
“Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn và mật độ đầu tư trong nước họ quá dày thì việc đầu tư ra nước ngoài là cần thiết và Việt Nam được xem là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Khương nói.
Đặt trong bối cảnh FED tăng lãi suất, vị chuyên gia này cho rằng, sẽ khó có chuyện các nhà đầu tư ngoại rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Nếu họ không đầu tư chỉ là do không có dự án sạch, dự án phát triển. Các nhà đầu tư luôn tập trung vào việc làm sao để có dòng tiền nhanh thông qua việc mua bán sáp nhập các dự. Cách thức cụ thể là họ mua lại một dự án chẳng hạn như một khu công nghiệp lớn mà chủ đầu tư đã cho thuê, lấp đầy.
"Với kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài hơn 10 năm, ít khi tôi thấy họ cho rằng thị trường Việt Nam không còn cơ hội nữa. Chỉ có giai đoạn 2011 – 2012, do chịu nhiều sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên họ mới rút vốn khỏi Việt Nam. Đến thời hiện tại, bất động sản Việt Nam vẫn tạm gọi là nồi lẩu ngon cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước”, ông Khương cho hay.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, giai đoạn 2017 – 2018, dòng vốn ngoại đổ vào ngành bất động sản Việt Nam tập trung chủ yếu vào bất động sản nhà ở. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, dòng vốn này đã có dịch chuyển rất rõ nét sang phân khúc bất động sản công nghiệp. Đơn cử như trong quý I/2022, tổng giá trị giao dịch bất động sản công nghiệp ở Hà Nội đã chiếm đến 28% trong tổng giá trị của giao dịch của các phân khúc.
Vị này cho biết thêm, trong 5 năm vừa qua, top 5 lĩnh vực có giao dịch lớn về đầu tư có bất động sản công nghiệp. Trong đó, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An hiện đang là 5 tỉnh có đầu tư mạnh vào bất động sản công nghiệp và các trung tâm loggistics.
Các nhà phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Hiện nay đã có dòng vốn khoảng 2 tỷ USD đổ vào Việt Nam để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và logistics. Sự ổn định của đồng tiền nội tệ Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.