Tài chính

Đồng USD tăng vọt trở thành ‘con dao hai lưỡi’ với ví tiền và danh mục đầu tư

Đồng USD tăng vọt kể từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Đồng bạc xanh mạnh lên sẽ có tác động lớn đến ví tiền của người tiêu dùng.

Chỉ số USD Index đo lường đồng đô la Mỹ với một rổ các loại tiền tệ chính khác đã tăng tới 5% kể từ sau chiến thắng của ông Trump và tăng 8% kể từ ngày 1/10.

Đồng USD tăng do dự đoán chính sách của ông Trump có khả năng gây ra lạm phát. Điều này sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang phải giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế giá cả.

Lãi suất cao hơn thúc đẩy nhu cầu về USD của các nhà đầu tư nước ngoài, những người đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao như trái phiếu kho bạc và các chứng khoán nợ khác. Lãi suất cao hơn cũng làm giảm nguồn cung USD chung trong hệ thống bằng cách hạn chế việc đi vay.

Đồng USD mạnh hơn sẽ có sức mua lớn hơn trong việc thanh toán cho hàng hoá và dịch vụ được định giá bằng các loại tiền tệ khác. Điều này được thể hiện rõ khi người Mỹ du lịch nước ngoài và đổi tiền.

Chiến lược gia đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research chia sẻ rằng đồng USD mạnh hơn khiến người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn khi du lịch ở nước ngoài. Cho phép họ tận hưởng các dịch vụ khách sạn, giải trí, ăn uống giá rẻ.

Người Mỹ thậm chí không cần ra nước ngoài để được hưởng lợi từ đồng USD mạnh. Theo chiến lược gia đầu tư cấp cao Rob Haworth tại US Bank Wealth Management, đồng USD sẽ giúp người tiêu dùng đỡ tốn kém hơn khi mua hàng hóa nước ngoài. Thậm chí, đồng USD mạnh có thể giúp hạ thấp lạm phát trong nước, ít nhất là trong ngắn hạn.

"Đồng USD mạnh hơn khiến các mặt hàng tính giá bằng đô la trở nên đắt hơn đối với người mua nước ngoài, từ đó làm giảm nhu cầu”, Haworth nói. Và nhu cầu giảm sẽ dẫn đến giá giảm nếu nguồn cung ổn định.

Giá một thùng dầu WTI đã giảm 13% kể từ khi đạt đỉnh ở mức khoảng 78 USD/thùng vào đầu tháng 10. Các mặt hàng khác như xăng, đồng và đậu nành đều giảm kể từ khi đồng USD tăng vọt.

Các công ty nước ngoài xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cũng có thể giảm giá, dẫn đến chi phí rẻ hơn cho người tiêu dùng.

Arthur Laffer Jr., chủ tịch của Laffer Tengler Investments, cho biết thêm: “Với đồng USD mạnh, những quốc gia có đồng nội tệ yếu hơn so với USD sẽ có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Mỹ”.

Mặc dù đồng USD mạnh có thể có lợi cho ví tiền người tiêu dùng, nó có thể gây bất lợi cho danh mục đầu tư.

Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty trụ sở tại Mỹ có doanh thu ở nước ngoài. Các công ty đa quốc gia bán hàng hóa, dịch vụ của họ ở nước ngoài bằng đồng nội tệ của quốc gia đó. Sau đó, lợi nhuận được chuyển đổi thành USD khi tính toán nguồn thu. Nhưng nếu đồng USD mạnh, lợi nhuận sẽ giảm đi khi ngoại tệ được chuyển đổi sang USD. Và lợi nhuận thấp sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Những công ty sản xuất hàng hoá tại Mỹ và sau đó xuất khẩu sang nước ngoài có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Vì họ phải chi trả phí đầu vào bằng đồng USD mạnh và thu về bằng đồng ngoại tệ yếu hơn.

Theo Stovall, khoảng 40% doanh thu từ các công ty S&P 500 đến từ các hoạt động ở nước ngoài.

Nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên và tăng trưởng kinh tế không bù đắp được sự thiếu hụt, lợi nhuận sụt giảm có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

"Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế”, chiến lược gia Stovall cho biết. Do đó, sự thay đổi giá trị của đồng USD thường là con dao hai lưỡi. Đồng USD tăng có lợi cho ví tiền theo một cách, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến danh mục đầu tư và sinh kế theo một cách khác.

Theo MI


Cùng chuyên mục

Đọc thêm