Những "món quà" trong quá trình chuyển giao
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã để lại vô số "món quà" nhằm củng cố di sản của ông với phe cực tả và ngăn cản chính quyền mới bất chấp sứ mệnh mà cử tri đã trao cho Tổng thống đắc cử Donald Trump thông qua chiến thắng áp đảo năm nay.
Trong ký ức đẹp đẽ của người Mỹ, các Tổng thống sắp mãn nhiệm thường tạo mọi điều kiện cho việc tiếp quản của chính quyền mới bởi họ tin rằng người dân Mỹ đã lên tiếng lựa chọn và họ nên rời đi với một phong thái lịch thiệp.
Nhắc đến chuyển giao quyền lực Tổng thống, rất nhiều người Mỹ lại nhớ đến cuộc chuyển giao năm 2001. Khi Tổng thống Bill Clinton kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, điều tệ hại nhất là các nhân viên Nhà Trắng - chứ không phải ông Clinton - đã có những hành động phá hoại văn phòng của tân Tổng thống George W. Bush bằng nhiều trò chơi khăm thiếu ý thức và tốn tiền của. Cuộc điều tra kéo dài một năm gây tốn kém hàng trăm ngàn đô la tiền thuế của Văn phòng giải trình chính phủ về vụ việc này đã kết luận tổng thiệt hại trị giá 15.000 USD.
Nhân viên của ông Clinton đã tháo hết các phím "W" khỏi bàn phím máy tính trong văn phòng để chế giễu biệt danh "W" của Tổng thống vừa đắc cử George W. Bush! Họ còn dùng keo gắn chặt ngăn kéo bàn làm việc, giật đứt dây điện thoại, để lại tin nhắn thoại tục tĩu trên điện thoại văn phòng và đặt ảnh khiêu dâm vào các máy photocopy. Một số vật phẩm bao gồm con dấu Tổng thống cỡ 12-inch và một số tay nắm cửa là đồ cổ được cho là đã bị lấy cắp. Nhưng ít nhất thì họ đã không cố gắng đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh. Mà tôi lại còn nghe nói rằng nhiều người trong số những nhân viên này đang bán đồ lưu niệm cho khách du lịch tại Trung tâm thương mại quốc gia ngay thủ đô Washington DC.
Năm nay, dù quá trình chuyển giao quyền lực chính thức chưa bắt đầu, những người Dân chủ ở các cấp chính quyền từ liên bang đến tiểu bang và địa phương đã để lại cho ông Trump một số lượng "quà tặng" nhiều chưa từng có, mà vẫn đảm bảo rằng những hành động cản trở của họ không vi phạm bất kỳ điều luật nào.
Những người này đang tìm mọi cách để phủ nhận mong muốn của cử tri Mỹ, phủ nhận việc cử tri đã lựa chọn ông Trump thay vì bà Kamala Harris với số phiếu áp đảo, khiến chiến thắng của ông trở thành sứ mệnh đeo đuổi các chính sách đã hứa với cử tri. Những việc đảng Dân chủ đang làm khiến người Mỹ có thể nghĩ rằng, "Chúng ta đã bỏ phiếu chọn ông Trump, nhưng chính quyền của ông Biden vẫn tiếp tục hoạt động".
Các bang tăng cường khả năng "chống chọi với ông Trump" từ trước bầu cử
Hãy nhớ rằng trong suốt năm 2024, đảng Dân chủ đã lo lắng rằng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có thể không đủ sức đánh bại đối thủ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Họ cũng lo ngại rằng ông Biden đang suy yếu vì tuổi già sẽ không thể trụ được hết bốn năm ở chiếc ghế Tổng thống. Vì vậy, đảng Dân chủ đã chọn Phó tổng thống Kamala Harris để thay thế.
Lường trước được sự thất bại trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump, những người Dân chủ bắt đầu hành động để tăng cường khả năng "chống chọi với ông Trump" cho các tiểu bang và các thành phố của họ nhằm giảm thiểu cái mà họ gọi là "thiệt hại" do chiến thắng của ông Trump gây ra.
Lấy California là một ví dụ. Đây là bang cực tả nhất trong các bang, do Thống đốc Gavin Newsom có tư tưởng cực tả đứng đầu, nằm ở khu vực cực tả của nước Mỹ.
Vị Thống đốc này đang tăng cường khả năng "chống chọi với ông Trump" cho bang của mình bằng cách đề nghị ông Biden cấp ngân sách liên bang để chi trả cho tất cả các dịch vụ như chăm sóc y tế miễn phí cho người nhập cư bất hợp pháp, đeo đuổi chủ nghĩa bảo vệ môi trường cực đoan bao gồm lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng, và nhiều dịch vụ khác.
Đây là những dịch vụ mà Thống đốc đã hứa cung cấp nhưng lại không có ngân sách thực hiện. Không hiểu sao người dân Mỹ lại phải trả tiền cho lựa chọn lối sống của California. Thâm hụt ngân sách của California hiện là 68 tỷ đô la.
California cũng tự nhận là "ngọn đuốc dẫn đầu cuộc kháng cự" chống lại mọi chính sách của ông Trump. Thống đốc Newsom đang rục rịch tranh cử Tổng thống vào năm 2028 với thông điệp rằng ông ấy không phải là ông Trump. Đây cũng là cách tiếp cận của ông Biden năm 2020 và bà Harris năm 2024. Ông Trump chưa bao giờ rời khỏi tâm trí của những người Dân chủ!
Các bang và thành phố khác do đảng Dân chủ kiểm soát cũng đang tiếp tục tăng cường "chống chọi với ông Trump". Thành phố Boston và bang Massachusetts đã tuyên bố sẽ không hợp tác với Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) trong việc bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp phạm trọng tội.
Đâu sẽ là giới hạn của đảng Dân chủ? Công tố viên quận New York, ông Alvin Bragg, một đảng viên Dân chủ, đã thắng trong vụ án hình sự chống lại ông Trump. Đó là một phiên toà có chủ toạ là một thẩm phán thuộc đảng Dân chủ, bồi thẩm đoàn được lựa chọn từ các khu vực bỏ phiếu của đảng Dân chủ và bản thân vụ án có rất nhiều mập mờ pháp lý.
Việc tuyên án ông Trump đã được lên lịch để diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống 2024, khiến ông phải mang cái nhãn là "tội phạm bị kết án". Khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, ông Bragg tuyên bố sẽ kết án ông Trump sau khi ông ấy hết nhiệm kỳ Tổng thống. Đây mới gọi là ôm hận! Thay vì việc khiến ông Trump khốn đốn trong cuộc tranh cử, cng tố viên Bragg đã biến ông thành "anh hùng dân tộc".
Thêm nữa, Thống đốc bang Maryland Wes Moore thuộc đảng Dân chủ đã ký hợp đồng trị giá 190.000 đô la với Công ty tư vấn Accenture Consulting cho việc theo dõi giám sát ông Trump, để xác định xem ông sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến tiểu bang.
Những "đòn ngáng chân" của chính quyền sắp mãn nhiệm
Chỉ vài ngày sau khi kết thúc bầu cử, Tổng thống Biden đã mời ông Trump đến Nhà Trắng để cam kết đảm bảo chuyền giao quyền lực hoà bình cho chính quyền mới của ông Trump. Tuy nhiên, gần đây đã lộ ra nhiều kế hoạch khác.
Các vấn đề trong nước
Năm 2020, khi đảng Dân chủ tiếp quản từ chính quyền Trump (2017-2021), họ đã lựa chọn những người ủng hộ đường lối cực tả cho các vị trí trọng yếu trong nội các. Sau đó, những người này đã thực hiện các chính sách quá cấp tiến chưa từng có ai dám làm trước đó.
Ví dụ, mở cửa biên giới phía Nam, áp dụng các thông lệ "Đa dạng, Công bằng và Hoà nhập", và dừng các hoạt động sản xuất dầu khí trước khi đảm bảo tính khả dụng của năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện bền vững.
Năm nay, chính quyền Dân chủ gấp rút tuyển dụng càng nhiều người cực tả càng tốt trước khi ông Trump tiếp quản. Để làm được điều này, họ đã bỏ qua quy trình thẩm định và tuyển dụng truyền thống để rút ngắn việc bổ nhiệm những người cực tả. Ông Trump sẽ khó có thể sa thải những vị trí mới này. Họ sẽ gây rối, ngáng đường ông bất cứ khi nào có thể. Việc nhận diện những người này rất dễ: họ giống như những người theo chủ nghĩa hippy, khiến người ta nhớ đến thời kỳ tự do yêu đương của những năm 1960.
Thêm vào đó, Tổng thống Biden cũng bổ nhiệm các thẩm phán cực tả tại các tòa án liên bang với mục tiêu là các thẩm phán này sẽ đưa ra phán quyết chống lại các chính sách của ông Trump. Các thẩm phán có nhiệm kỳ trọn đời và hiếm khi bị cách chức. Ông Trump đã bổ nhiệm 234 thẩm phán trong nhiệm kỳ 2017-2021 trong khi ông Biden bổ nhiệm đến 449 thẩm phán trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Một lý do khiến đảng Cộng hòa thường bại trận trước đảng Dân chủ là vì chính họ tự gây hoạ cho mình. Điển hình năm nay là ông Biden đang bổ nhiệm một loạt thẩm phán như đã đề cập, nhưng các Thượng nghị sĩ Cộng hòa lại vắng mặt tại các phiên điều trần tại Quốc hội khiến đảng Dân chủ dễ dàng thông qua một loạt các ứng viên.
Chính quyền Dân chủ đã ban hành nhiều quy định mới - tương đương luật - sẽ có hiệu lực khi ông Trump nhậm chức. Nhiều quy định trong số này được đưa ra để thỏa mãn các nhóm vận động, đặc biệt là các nhà hoạt động môi trường và các khối cử tri Dân chủ. Những quy định này được gọi là "quy định nửa đêm" vì chúng được ban hành vào những ngày cuối cùng của một chính quyền sắp mãn nhiệm, như một "món quà" cho chính quyền mới.
Mọi cơ quan chính phủ đều đang gấp rút đưa ra một loạt các quy định để "nghênh đón" ông Trump. Tính riêng Đạo luật Không khí sạch, chính quyền ông Biden đã đưa ra thêm 50 quy định mới. Đây là những quy định quan trọng liên quan đến phát thải khí nhà kính của các nhà máy điện, có ý nghĩa sống còn đối với ngành sản xuất năng lượng của Mỹ. Những người chỉ trích đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Biden không đưa ra các quy định này trong bốn năm qua khi có thời gian để thẩm định đầy đủ.
Chỉ riêng trong năm 2024, những quy định và luật lệ mà Tổng thống Biden đã ban hành đã khiến người dân và doanh nghiệp thiệt hại 926 tỷ đô la, theo Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Mỹ.
Việc bãi bỏ những quy định và luật lệ này là một quá trình phức tạp, tốn kém cả về thời gian và chi phí. Chúng làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tệ hơn nữa, việc các chính quyền thay nhau bổ sung và bãi bỏ các quy định và luật lệ sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh. Việc ban hành quy định, luật lệ mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội cũng gia tăng quyền hạn cho chính quyền của các Tổng thống.
Một mặt khác, chính quyền sắp mãn nhiệm còn đang âm thầm nới lỏng hơn nữa các quy định về biên giới nhằm ngăn chặn kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, kể cả những người đã nằm trong diện trục xuất chính đáng của Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump. Động thái mới nhất là chính quyền Biden sắp cho ra mắt một ứng dụng vào đầu tháng tới tại thành phố New York, nơi có 100.000 người nhập cư trái phép thuộc diện phải theo dõi.
Ứng dụng này cho phép người nhập cư trái phép không phải đăng ký trực tiếp tại Văn phòng Cơ quan Di trú và Hải quan tại địa phương. Ứng dụng này không liên kết các thông tin về lịch sử bắt giữ hoặc lệnh truy nã của những người nhập cư trái phép, vì vậy các nhân viên di trú sẽ không thể biết họ ở đâu hoặc họ có thể đã làm gì.
Các vấn đề đối ngoại
Mới đây, chính quyền Biden đã đưa ra một số quyết sách đối ngoại quan trọng để tăng tốc ủng hộ Ukraine. Ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga. Nga trả đũa bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, tấn công vào thành phố Dnipro ở Ukraine. Tình báo phương Tây tuyên bố Nga đang chứng minh sức mạnh của một hệ thống vũ khí mới.
Chính quyền Biden cũng dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép một số nhà thầu quân sự triển khai đến Ukraine để hỗ trợ, sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ viện trợ và lần đầu phê duyệt cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine.
Thêm vào đó, chính quyền Biden cũng xúc tiến xóa khoản vay 4,7 tỷ đô la cho Ukraine và tuyên bố sẽ viện trợ thêm 7 tỷ đô la để nước này mua vũ khí.
Những hành động này sẽ khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp khó khăn khi đàm phán giải pháp hòa bình giữa Ukraine và Nga trong bối cảnh leo thang xung đột.
Những người chỉ trích tự hỏi tại sao chính quyền Biden không cung cấp viện trợ quân sự quy mô lớn ngay khi cuộc chiến vừa nổ ra năm 2022 khi việc này có thể đóng vai trò răn đe. Tính đến nay, chính quyền Mỹ đã cung cấp 175 tỷ đô la cho Ukraine trong cuộc chiến này.
Vào những ngày cuối của nhiệm kỳ, Tổng thống Biden cam kết một khoản đóng góp kỷ lục trị giá 4 tỷ USD cho Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất. Nhưng hãy nhớ rằng nước Mỹ đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 2,1 nghìn tỷ đô la năm 2024 và khoản nợ quốc gia 36 nghìn tỷ đô la, không biết bao giờ mới có thể trả hết.
Phản ứng của Tổng thống mới đắc cử
Ông Trump sẽ đáp trả lại những nỗ lực cản trở chính quyền của ông. Ông đã có kế hoạch bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong nội các của mình vào thời gian Quốc hội có kỳ nghỉ dài, khiến phe Dân chủ không có cơ hội bỏ phiếu bác bỏ những lựa chọn của ông mà họ cho là không đủ tiêu chuẩn.
. Khi Thoả thuận này chưa được ký thì Cục điều tra Liên bang (FBI) không thể tiến hành thẩm tra hồ sơ lý lịch của các ứng cử viên nội các mới.
Ông có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới, cho phép sử dụng quân đội để giành quyền kiểm soát. Rất ít người ủng hộ việc sử dụng quân đội để chống lại dân thường. Ông đã soạn thảo nhiều sắc lệnh hành pháp để ban hành vào ngày 20/1, ngày đầu tiên tại nhiệm.
Ông Trump đã giao cho các tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy phụ trách một cơ quan độc lập có nhiệm vụ cắt giảm các cơ quan liên bang không cần thiết hoặc trái chức năng. Mọi việc ông dự định làm đều không trái luật nhưng sẽ mang lại những thay đổi mang tính cách mạng.
Nước Mỹ đã đạt đến ngưỡng mà cả đảng Dân chủ và Cộng hoà sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần thiết để giành chiến thắng và thực hiện mục tiêu của họ. Người dân Mỹ bị đẩy ra ngoài lề: Cứ bốn năm một lần, họ bỏ phiếu và cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất. Điều này gây ra sự bất ổn, đe doạ đến tính hợp pháp và lâu bền của nền dân chủ.
Vì vậy, hãy cùng thắt chặt dây an toàn; chặng đường trước mắt sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều từ năm 2025 trở đi!
Giải pháp Westminster: Một đề xuất khiêm nhường
Ở Úc, New Zealand, Canada và Vương quốc Anh - các thể chế đại nghị - khi một cuộc bầu cử quốc gia được công bố, quốc hội ngừng hầu hết các hoạt động để các nghị viên có thể vận động tái tranh cử.
Sau đó, chính phủ cầm quyền trở thành "chính phủ lâm thời" có nhiệm vụ duy trì "nguyên trạng". Chính phủ lâm thời không đưa ra các quyết định quan trọng. Đảng hoặc liên minh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó sẽ tiếp quản và theo đuổi các chính sách mà họ đã vận động. "Quy ước" này dựa trên phong tục, các giá trị chung và luật định.
Với hệ thống chính trị ở Mỹ, sẽ rất khó để đạt được điều này. Các chính phủ đại nghị tổ chức bầu cử trong vài tuần và sẽ có chính phủ mới. Ở Mỹ, ngay lúc này đảng Dân chủ đã đang rục rịch lên kế hoạch cho cuộc tranh cử tiếp theo của họ vào năm 2028, cách có bốn năm nữa!
Nhưng cứ hình dung nếu nước Mỹ thiết lập một chính phủ lâm thời ngay khi chiến dịch tranh cử bắt đầu và cứ tiếp tục duy trì trong bốn năm sau đó, thì lại quá tốt. Khi đó, chính phủ chỉ cần có vài hoạt động hoặc chẳng cần làm gì trong bốn năm, còn cuộc sống của người dân Mỹ thì cứ tiếp diễn như nó vốn thế.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nói điều này, nhưng có lẽ Mỹ nên trở thành Úc!