Diễn biến khá tích cực của thị trường trong và ngoài nước trong tuần 8 - 12/8 đã lan toả đến thị trường trong những phiên đầu tuần này. VN-Index nhìn chung đã có chuỗi tăng 5 tuần rưỡi liên tục, cũng là chuỗi tăng dài nhất hơn 1 năm qua.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đồng thời là nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock.vn, cổ phiếu VN30 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường nối dài chuỗi tăng điểm bởi VN-Index đã có mức hồi phục từ đáy lên lớn hơn so với VN30.
Điều này cho thấy những cổ phiếu bluechip chưa tăng quá nhiều trong khi cổ phiếu midcap và penny đã tăng rất mạnh thời gian vừa qua. Dòng tiền sẽ trở lại nhóm VN30 bởi tuần này là tuần đáo hạn phái sinh.
Thống kê của FiinTrade cũng chỉ ra tỷ trọng giá trị giao dịch của các cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng lên 38,29% dù VN30-Index chỉ tăng 0,1%. Dòng tiền vào VN30 tập trung vào HPG, VPB, SSI, MWG, STB, NVL, MBB, PDR, POW, FPT trong đó 5/10 mã tăng điểm. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa vừa VNMidcap giảm mạnh xuống 42,68% và con số này ở nhóm vốn hóa nhỏ tăng lên 15%.
Trước tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phái sinh đến hơn 16.000 hợp đồng. Đây là một trong những tháng mà nước ngoài mua ròng lớn nhất tính từ đầu năm.
Ngoài ra, VN30 cũng đã tích luỹ điểm số và tăng khoảng gần 50 điểm. VN30 được dự báo sẽ là yếu tố quan trọng quyết định điểm số của VN-Index ở tuần này. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng nhiều khả năng không có cải thiện lớn, chỉ cao khi tăng giá và thấp hơn khi giảm giá bởi chúng ta đang trong xu thế đi lên.
Một số nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp hay các nhóm thuộc penny và midcap đều quay ngược trở lại rất nhanh mỗi khi điều chỉnh. Sự điều chỉnh không thể diễn ra dài và dòng tiền ngay lập tức sẽ được thu hút vào những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều.
Những sự kiện NĐT cần lưu ý khi xuống tiền mua cổ phiếu trong thời gian tới?
Tâm điểm được giới đầu tư toàn cầu hướng đến là việc Mỹ sẽ công bố số liệu doanh số bán lẻ tháng 7 vào 17/8. Số liệu này được theo dõi nhằm cho biết dấu hiệu về sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng sau khi tăng trưởng quý II ở Mỹ đã chậm lại.
Ngoài ra, một dữ liệu rất quan trọng khác là cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 và dữ liệu này có thể giúp xem xét nhằm cân đối với khả năng tăng lãi suất trong các đợt sắp tới.
Anh sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 7, dự kiến tăng 9,8% từ mức 9,4% tại tháng 6, tiến gần hơn mức đỉnh là 13,3% mà BoE đã dự báo cho tháng 10. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 7 vào 19/8, qua đó giúp cung cấp thêm bằng chứng về sự suy thoái ở khu vực này. Lạm phát tại Anh đang đạt đỉnh muộn hơn và cao hơn so với Mỹ.
Nhà đầu tư lo ngại rằng Châu Âu sẽ suy thoái theo sự suy thoái tại Mỹ. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng CPI tại Anh và Châu Âu vẫn tiếp tục cao bởi lãi suất ở Châu Âu còn thấp và lạm phát đang tương đối phức tạp. GDP của Châu Âu được dự báo đi ngang bằng quý I.
Những thông tin quốc tế thời điểm này sẽ gây ra một số tác động nhất định đến không chỉ tâm lý trên thị trường mà còn cả dòng tiền hay chính sách của nhà nước.
Về câu chuyện kinh tế vĩ mô năm nay, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro. Lạm phát cao ở toàn cầu sẽ đặt ra câu hỏi Việt Nam liệu có phải nhập khẩu lạm phát hay không.
Yếu tố tỷ giá cũng rất căng thẳng bởi Fed đã tăng lãi suất tương đối mạnh từ mức 0 đến 0,25 và bây giờ là 2,5. 7 tháng vừa qua đối với ngân hàng nhà nước Việt Nam là 7 tháng căng thẳng vì chúng ta phải đối mặt với những rủi ro đó. Nếu không cẩn thận để lạm phát trong nước chạy theo thế giới thì Việt Nam sẽ lại phải nhanh chóng tăng lãi suất và có thể ảnh hưởng cả nền kinh tế nói chung.