Doanh nghiệp

Động thái mới nhất của Xây dựng Hòa Bình (HBC) sau quyết định "ông Lê Viết Hải tiếp tục là Chủ tịch"

Vào giữa tháng 1/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) thông báo về quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Tp.HCM với nội dung: "Buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài".

Theo đó, sau những tranh cãi nảy lửa trong nội bộ, ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của HBC.

Sau quyết định này, hoạt động mới đây của Hòa Bình là ký kết hợp tác với Công ty Keystone về việc cùng nhau xây dựng và phát triển dự án tại thị trường Mỹ.

Theo kế hoạch, hai bên sẽ cùng xây dựng 5 dự án mà Keystone đầu tư phát triển tại California và Oregon; song song phát triển tiếp những dự án xây dựng tại Mỹ, không chỉ xây dựng nhà ở mà còn đẩy mạnh xây dựng thương mại, công nghiệp.

Được biết, kế hoạch đầu tư nước ngoài được xác định là chiến lược mũi nhọn của HBC cho mục tiêu doanh số tỷ USD thời gian tới, bắt đầu từ năm 2022. Dù vậy, những biến động thị trường và nội bộ đang khiến kế hoạch này của HBC chậm lại. Trong liên doanh với Keystone, hiện tại hai bên cũng chỉ mới ở bước ký kết MOU.

Trong đó, Keystone có trụ sở tại California (Mỹ), kinh nghiệm 20 năm trong ngành xây dựng và cung cấp sản phẩm phục vụ phát triển bất động sản, xây dựng khu dân cư, thương mại, đầu tư tài chính và quản lý tài sản.

Chi tiết về kế hoạch đi nước ngoài của HBC, 4 thị trường trọng tâm đang hướng đến là Canada, Úc, Mỹ, châu Âu. Nguyên nhân, các thị trường này có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt giá xây dựng rất cao.

Cụ thể, giá trị hợp đồng xây dựng một toà nhà ở Úc tương đương với việc xây tới 7 toà ở Việt Nam, khi giá xây dựng tại nước ngoài cao gấp 6-7 lần. Tương ứng, so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Úc, doanh thu của HBC sẽ tăng gấp 7-8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15-20 lần.

"Ở Việt Nam lợi nhuận dự án chỉ được 1-2%, trong khi ở Úc là 3-5%, bình quân là cao hơn 2-3 lần. Đơn giá ở Úc là khoảng 2.500USD/m2, còn ở Việt Nam tầm 400 USD/m2 nên doanh thu gấp 6 -7 lần.

Tính theo đơn giá, lợi nhuận 1-2% tương đương 4-8 USD, còn 3-5% tương đương lợi nhuận 75-125 USD/m2, suy ra lợi nhuận ở Úc gấp 15 lần.

Nếu HBC sử dụng các biện pháp tối ưu, sẽ tiết giảm đáng kể giá nhân công và đưa vào các nguyên vật liệu có chất lượng mà giá thành phù hợp thì có khả năng lợi nhuận tăng hơn mức 3-5%", Chủ tịch Lê Viết Hải diễn giải chi tiết tại Hội nghị đầu tiên diễn ra hôm 16/8/2022.

Ngoài những luận điểm trên, theo HBC đây còn là thời điểm tốt để Công ty mở rộng thị trường, khi hậu Covid-19, nhiều nhà thầu các nước khác cũng đang rất khó khăn và kêu gọi hợp tác.

"Sau đại dịch, Trung Quốc rất lúng túng khi giải quyết các dự án xây dựng hiện hữu, và họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của chúng ta, đó là thực tế. Tôi cũng đã đàm phán với họ, và phương thức thầu phụ tôi cho không hiệu quả.

Phương án của HBC hướng tới là hợp tác đầu tư, không mua đất mà hợp tác đầu tư làm thầu. Có thể liên kết với công ty thầu sở tại, không cần quá lớn để tham gia dự án nước ngoài. Khi đó, các công ty nhỏ này cũng cần phải liên kết để nâng cao năng lực…", ông Hải nói.

Kế hoạch là vậy, trong bối cảnh hiện tại, HBC đang ưu tiên bảo toàn dòng tiền khi khó khăn dự kiến kéo dài sang nửa đầu năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm