Cụ thể, vào 8 giờ 07 phút GMT (15 giờ 07 phút giờ Việt Nam) tại thị trường Moskva, đồng ruble đã tăng hơn 5% so với phiên trước, lên 61,10 ruble/euro, sau khi có thời điểm trong phiên chạm mức 59,02 ruble/euro, mức cao nhất của đồng tiền này kể từ tháng 6/2015. So với đồng USD, ruble đã tăng hơn 4% trong phiên 20/5, lên 59,10 ruble/USD, sau khi chạm mức 57,0750 ruble/USD, mức chưa từng thấy kể từ cuối tháng 3/2018.
Trước đó, ngày 19/5, Nga cho biết một nửa trong số 54 khách hàng của tập đoàn năng lượng “khổng lồ” Gazprom đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, giữa bối cảnh các công ty châu Âu sắp đến thời hạn thanh toán cho nguồn cung khí đốt của họ.
Việc mở các tài khoản như vậy trở nên khả thi sau khi các nhà chức trách EU cho phép các nước thành viên tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không vi phạm hàng loạt lệnh trừng phạt do họ đã áp đặt chung đối với Nga do chiến dịch đặc biệt của nước này tại Ukraine (U-crai-na), bắt đầu vào ngày 24/2 năm nay.
Yuri Popov, chiến lược gia tại SberCIB Investment Research, một công ty con của Sberbank, cho biết một trong những lý do chính cho sự phục hồi của đồng ruble là việc các khoản thanh toán khí đốt của châu Âu cho Nga phải chuyển từ đồng euro sang đồng ruble.
Đồng ruble đã tăng khoảng 30% so với USD kể từ đầu năm nay, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Nga, khiến nó trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trên thị trường, mặc dù điều này được hỗ trợ một cách giả tạo bởi các biện pháp kiểm soát áp đặt vào cuối tháng 2/2022 để bảo vệ lĩnh vực tài chính của Nga sau khi tiến hành chiến dịch tại Ukraine.
Đồng ruble đang được thúc đẩy một phần bởi các doanh nghiệp xuất khẩu có nghĩa vụ chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ của họ sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đóng băng gần một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.
Việc chuẩn bị cho các khoản thuế cuối tháng, dự kiến sẽ đến hạn vào tuần tới, cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble, trong khi nhu cầu đối với đồng USD và euro vẫn ở mức thấp do chuỗi nhập khẩu bị gián đoạn và các hạn chế về việc rút ngoại tệ từ tài khoản ngân hàng và chuyển chúng ra khỏi nước Nga.
Evgeny Suvorov, một nhà phân tích tại CentroCreditBank, cho biết: “Câu hỏi quan trọng là liệu Ngân hàng trung ương Nga có tham gia hay không khi đồng ruble tăng giá quá mức không nằm trong kế hoạch của Bộ Tài chính của nước này?”.
Trong khi đó, ông Kirill Tremasov, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga, cho biết "đồng ruble vẫn là một loại tiền tệ thả nổi tự do”.
Đồng ruble mạnh hơn sẽ giúp kìm hãm lạm phát và có lợi cho các nhà nhập khẩu, nhưng nó lại gây tổn hại cho những người xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài lấy ngoại tệ, đồng nghĩa với việc giảm thu nhập cho ngân sách vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng các nhà chức trách Nga không quan tâm đến việc đồng ruble đang tăng giá và dự kiến đồng tiền này sẽ suy yếu vào cuối năm nay./.