Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến của hàng loạt “ông lớn” thế giới trong chuỗi sản xuất thông minh như: Intel, Samsung, LG, Panasonic, Bosch, Foxconn, Kyocera,....Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Việt Nam với tham vọng thu hút ngày càng nhiều "đại bàng" lớn trong chuỗi sản xuất công nghệ cao ở các lĩnh vực như bán dẫn hay điện tử.
Dọn tổ cho đại bàng
Nhìn nhận về những thế mạnh của Việt Nam, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Tài chính, cho biết Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á và có nhiều thế mạnh tham gia sâu vào chuỗi sản xuất thông minh.
“Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến sang đầu tư và cam kết tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển thuận lợi tại Việt Nam”, TS Lê Minh Nghĩa nói.
Tuy nhiên, để "dọn tổ cho đại bàng", ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần có hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển xanh, bền vững, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn lớn.
Hàng năm, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 60 - 70% lượng vốn FDI của Việt Nam. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hình thành hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế hiện tại trong thu hút vốn FDI, nhất là các tập đoàn lớn.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có 416 khu công nghiệp với tổng diện tích đất khoảng 129,9 nghìn ha và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha, trong đó bao gồm 4 khu chế xuất. Tuy nhiên, trong số 416 khu công nghiệp mới có 296 khu đi vào hoạt động còn 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Trao đổi với chúng tôi về xu hướng lựa chọn các khu công nghiệp, khu kinh tế của các tập đoàn lớn bên lề Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng trước đây, để Intel chọn Việt Nam, Việt Nam đã phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Ấn độ, Thái Lan…
Bối cảnh bây giờ cũng tương tự như vậy, muốn thu hút các dự án bán dẫn lớn của Mỹ, Việt Nam buộc phải cạnh tranh với Ấn độ với Malaysia,… những quốc gia đã có lợi thế trong chuỗi sản xuất ngành bán dẫn.
Để không bỏ lỡ các dự án tỷ USD trong các lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần xây dựng lợi thế từ các khu công nghiệp xanh, tuần hoàn. Ông Thắng nhấn mạnh xu thế hiện nay là nhà đầu tư FDI sẽ chọn đặt nhà máy, đặt cơ sở trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tuy nhiên, họ muốn khu công nghiệp phải xanh, tuần hoàn để đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững của họ. Khu công nghiệp tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn vận động doanh nghiệp thực hiện. Làm được là cần thời gian và cần có sự tổ chức hợp lý.
Ông Thắng nêu ví dụ, làm điện sinh khối ở phía Nam, tập hợp đủ trấu không phải dễ, phải thu từ nhiều nơi, chi phí vận chuyển cũng là vấn đề. Vì vậy, nên chăng cần hình thành các khu công nghiệp tuần hoàn theo cách, đưa ra định hướng thu hút ngành nào và những ngành nào có thể sử dụng được các phế thải của ngành kia để cùng vào một khu công nghiệp.
Theo ông, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, hiệp hội, cơ quan quản lý nhằm xây dựng các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp tuần hoàn cũng sẽ thu hút các doanh nghiệp theo chuỗi định hướng này tham gia, chứ nếu để các nhà đầu tư khu công nghiệp tự làm thì rất khó.
Thiếu cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Từ góc độ một nhà đầu tư khu công nghiệp chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang khu công nghiệp xanh khu công nghiệp sinh thái, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính Công ty CP Shinec - Đại diện của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng cũng cho rằng quá trình này rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Hải Anh chỉ ra ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong chuyển đổi khu công nghiệp xanh.
Thứ nhất là cần hành lang pháp lý để hướng dẫn cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang xanh. Lấy ví dụ từ chính khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, ông Hải Anh cho biết khu công nghiệp này đã có ba tuần hoàn chính đáp ứng được đề án kinh tế tuần hoàn liên quan đến nhựa, thiết bị điện tử, thép.
Tuy nhiên, đối với các chuyển đổi của hơn 70 doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì những vòng tuần hoàn này chỉ chiếm khoảng 10 doanh nghiệp, còn 60 doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình mong muốn chuyển đổi, đáp ứng định hướng quốc gia. Hiện chưa có hành lang pháp lý để hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi xanh nên các doanh nghiệp rất khó thực hiện.
Thứ hai là các dự án đã xanh rồi, cần phải có pháp lý cụ thể để triển khai. Ví dụ như vấn đề tài chính cho các dự án này. Đối với năng lượng tái tạo hiện chiếm 45% số tín dụng xanh hiện nay của Việt Nam, nhưng thời điểm hiện tại việc chưa có chính sách rõ ràng, khiến doanh nghiệp khó qua được khâu thẩm định cho vay của Ngân hàng để tiếp cận tín dụng xanh.
Ba là, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái tốn kém nhiều chi phí như cây xanh, quỹ đất, thuê cả kiểm toán PWC, tư vấn ESG,... nhưng không được ưu đãi gì, kể cả vay vốn vẫn lãi như các doanh nghiệp khác.
Việc thiếu cơ chế ưu đãi và hỗ trợ khiến các nhà đầu tư thiếu động lực xây dựng khu công nghiệp xanh, dù đây là một lợi thế đáng kể để thu hút các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn lớn.
Sắp có luật riêng cho khu công nghiệp, khu kinh tế
Luật này sẽ bao gồm 6 nhóm chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng các xu thế mới như kinh tế xanh, năng lượng xanh...
Cụ thể, thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thứ hai là hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao.
Thứ ba là phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.
Thứ tư là phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ.
Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn…, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển khu công nghiệp này.
Cuối cùng, điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế.