Tài chính

Đòi nợ "chúa chổm"

Nhiều địa phương có nợ thuế tăng phi mã

Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, số tiền nợ thuế ngày càng tăng. Tổng số tiền nợ thuế ước đến cuối tháng 7/2023 ở mức 151.325 tỷ đồng. Theo Tổng cục Thuế, nợ thuế tăng xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế. Thị trường tài chính rủi ro, lãi suất ngân hàng cao, thị trường bất động sản giao dịch kém, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.

Đòi nợ ''chúa chổm'' - 1

Người dân làm thủ tục tại cơ quan Thuế. (Ảnh minh hoạ).

Trong bức tranh chung thu ngân sách ảm đạm, nhiều địa phương nợ thuế tăng phi mã. Tiêu biểu như nợ thuế của Ninh Thuận tăng hơn 400%, Phú Thọ tăng 187%, Lào Cai tăng 183%, Lai Châu tăng 165%, Lạng Sơn tăng 133%, Hải Dương tăng 117%, Thái Nguyên tăng 115%, Tây Ninh tăng 110%, Quảng Ngãi tăng 108%, Quảng Ninh tăng 106%, Cà Mau tăng 103%...

Là một trong những địa phương có số nợ thuế tăng cao nhất cả nước, Cục Thuế Ninh Thuận vừa “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó, lĩnh vực “đội sổ” nợ thuế lần lượt gồm: Xây dựng cơ bản, tư vấn thiết kế; khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đơn vị có số nợ lớn nhất tại Ninh Thuận là Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Ninh Thuận với khoản nợ trên 57,6 tỷ đồng. Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Thạch Lĩnh nợ trên 29,6 tỷ đồng. Công ty TNHH Hoàng Khang Phan Rang nợ trên 13,2 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Sông Trà nợ trên 27,2 tỷ đồng. Công ty CP Khoáng sản An Hưng nợ trên 9,5 tỷ đồng.

Đòi nợ ''chúa chổm'' - 2

Đại học Hà Hoa Tiên một trong những đơn vị bị cơ quan Thuế “bêu tên” vì nợ thuế.

“Hầu hết doanh nghiệp nợ thuế đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ thuế lớn do gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn nước. Điều này khiến doanh nghiệp không thể tổ chức sản xuất, khai thác nên chưa có doanh thu và lâm vào tình trạng nợ thuế”, đại diện Cục Thuế Ninh Thuận cho biết.

Gần đây nhất, Cục Thuế Hà Nam cũng công bố danh sách 67 doanh nghiệp nợ thuế 127,5 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị lớn như Công ty Đại Dương, Xi măng Tràng An, Đại học Hà Hoa Tiên.

Đòi nợ ''chúa chổm'' - 3

Thu thuế từ thương mại điện tử là điểm sáng trong thu ngân sách từ đầu năm 2023 tới nay

Cục Thuế tỉnh Phú Thọ cũng công khai danh sách 455 doanh nghiệp và 186 hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn 90 ngày nhưng không tự nguyện chấp hành với tổng số nợ hơn 555 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế là Công ty cổ phần Tập đoàn Vương Cường gần 105 tỷ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế hàng chục tỷ đồng như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế gần 70 tỷ đồng; Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế Phú Thọ hơn 45 tỷ đồng; Công ty TNHH phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Lạng - TASCO hơn 28 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ khách sạn Bãi Bằng hơn 17 tỷ đồng…

Trước tình hình nợ thuế ngày càng tăng, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế địa phương rốt ráo thu hồi nợ. Đối với người nộp thuế có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ đôn đốc. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Điểm sáng trong bức tranh thu ngân sách

Số nợ thuế không ngừng tăng cũng ảnh hưởng tới thu ngân sách. Trong 7 tháng năm 2023, thu ngân sách nội địa ước đạt 840.000 tỷ đồng, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2022. Nhiều khoản thu không đạt tiến độ dự toán như: thu thuế bảo vệ môi trường giảm 38,3%; các loại phí, lệ phí giảm 10,9%; khoản thu về nhà, đất giảm 53,7% so cùng kỳ. Có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng vốn là “trụ đỡ” cho thu ngân sách nay sụt giảm mạnh. Tiêu biểu như than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô.

Tổng Cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế ước đến cuối tháng 7/2023 ở mức 151.325 tỷ đồng. Nhiều địa phương nợ thuế tăng phi mã như nợ thuế của Ninh Thuận tăng hơn 400%, Phú Thọ tăng 187%, Lào Cai tăng 183%, Lai Châu tăng 165%, Lạng Sơn tăng 133%, Hải Dương tăng 117%, Thái Nguyên tăng 115%, Tây Ninh tăng 110%.

Trong bối cảnh nhiều khoản thu ngân sách sụt giảm, khoản thu từ thương mại điện tử được xem là điểm sáng. Dù mới đi vào hoạt động, đã có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gần 3.950 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều “ông lớn” như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft…

Bên cạnh thu thuế từ nhà cung cấp nước ngoài, việc thu thuế của sàn kinh doanh thương mại điện tử trong nước cũng đạt nhiều hiệu quả. Sau 2 kỳ cung cấp thông tin, hàng loạt sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn tại Việt Nam đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki… Riêng quý 4/2022 có 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Cả nước có hơn 50 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch 15.272 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng quy chế về khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu tiếp nhận từ sàn thương mại điện tử. Từ đó, ngành Thuế nâng cao công tác quản lý thuế, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với một số người nộp thuế là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán”, Tổng cục Thuế cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế của hoạt động thương mại điện tử từ tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ trên nền tảng số năm 2021 ở mức 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng lên 716 tỷ đồng và đạt 246 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm