Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) trong thời gian gần đây, đang tạo ra một làn sóng hoang mang cho rất nhiều nhân sự về tương lai của bản thân ở thị trường lao động.
Theo các phương tiện truyền thông, GenAI cái gì cũng làm được, vậy DN liệu có cần thuê lao động như hiện tại nữa hay không? GenAI có thể tạo ra nhiều việc làm mới nhưng nếu mình không phải là dân công nghệ thì phải như thế nào? Những kiến thức – kỹ năng xưa cũ h liệu có thích hợp để 'thuần phục' GenAI cho mình sử dụng hay không?
Nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi "AI/GenAI liệu có làm chúng ta thất nghiệp?", chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều CEO, chuyên gia công nghệ và cả nhân sự công nghệ đã, đang và sắp làm việc cùng AI/GenAI. Hầu hết đều cho rằng: AI/GenAI không thể lấy mất việc của người lao động mà sẽ là 'trợ lý ảo' hỗ trợ công việc giúp người lao động làm việc hiệu quả, năng suất và đa nhiệm hơn.
DN Việt Nam đầu tư cho AI từ lâu nhưng GenAI thì chỉ mới bắt đầu
Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt giữa AI và GenAI. AI là một công nghệ xưa cũ của thế giới, có tuổi đời vài chục năm; còn GenAI là một biến thể của AI hay có thể xem là phiên bản 'diệu kỳ' nhất của AI ở thời điểm hiện tại.
Theo khảo sát về SMEs trong năm 2024-2025 của CPA Australia: 2024 là một năm thành công đối với các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, trong đó 82% doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng. Bước tiến này đã nâng tầm Việt Nam lên vị trí thứ hai trong 11 thị trường châu Á – Thái Bình Dương được khảo sát, tăng một bậc so với năm trước.
Bước sang năm 2025, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam tiếp tục nhận được tín hiệu tích cực, với 92% dự báo sẽ phát triển – tỷ lệ cao nhất trong số 11 thị trường được khảo sát.

Khả năng tiếp cận công nghệ của các SMEs Việt Nam trong năm 2024.
Một yếu tố then chốt đứng sau thành công của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ, bao gồm bán hàng trực tuyến. Năm 2024, 91% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ kênh trực tuyến chiếm hơn 10% tổng doanh thu, tăng mạnh so với mức 61% trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019. Kết quả này đưa Việt Nam dẫn đầu trong số các thị trường được khảo sát.
Đầu tư vào công nghệ đang mang lại lợi nhuận đáng kể. Năm 2024, 88% doanh nghiệp cho biết việc ứng dụng công nghệ giúp họ tăng lợi nhuận - tăng mạnh so với mức 51% vào năm 2022 và cao nhất trong số các thị trường khảo sát.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đang dẫn đầu về đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), với 44% doanh nghiệp coi đây là khoản đầu tư công nghệ lớn nhất năm 2024, tăng gấp đôi so với năm 2023. Bên cạnh đó, 47% doanh nghiệp đã sử dụng AI như một công cụ tư vấn kinh doanh.
Còn theo khảo sát Tương lai công việc 2024 của Anphabe, hiện chỉ có 32% DN Việt đã triển khai và vận dụng AI đa phương tiện. Cụ thể: 9% triển khai và ứng dụng AI rộng rãi và chuyên sâu ở nhiều phương tiện trong tổ chức; 23% ứng dụng AI ở mức trung bình, 35% có ứng dụng nhưng chỉ hạn chế ở một số phòng ban, 16% chưa ứng dụng AI nhưng sẽ làm điều đó trong 1 đến 2 năm tới, 17% hoàn toàn chưa triển khai hay ứng dụng AI.
Các hoạt động đang được DN ứng dụng AI nhiều nhất: chăm sóc và tư vấn khách hàng – 41,6%, thiết kế sản phẩm – 35,8%, tiếp thị cá nhân hóa – 26,3%, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng – 26,3%. Các phòng ban được ưu tiên ứng dụng AI: công nghệ thông tin – 43%, thiết kế/sáng tạo – 36,8%, tiếp thị/truyền thông – 32,5%, bán hàng/tiếp thị bán hàng – 30,5%.

Bà Điêu Hoàng Tú Uyên – Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Nguồn nhân lực của Anphabe
"Ứng dụng AI tại các DN Việt chủ yếu vẫn được dẫn đầu bởi các phòng ban Công nghệ thông tin với mục tiêu phục vụ khách hàng, chưa mở rộng trong nâng cao trải nghiệm làm việc của các nhóm nhân viên.
Đối diện với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các DN Việt đang cố gắng nhằm bắt kịp với những biến động của thị trường. Cụ thể: có tới 61% DN có khả năng cao và 14% có khả năng rất cao sẽ triển khai việc ứng dụng phổ biến công nghệ & AI ở quy mô lớn, trên toàn công ty trong vòng 5 năm tới.
Ngược lại, 70% lao động tin rằng: DN sẽ ứng dụng AI rộng rãi trong công việc ở 5 năm tới. Các hoạt động hỗ trợ nhân sự dự kiến đầu tư: AI hỗ trợ công việc như ChatGPT (GenAI) – 40,3%, phát triển và tận dụng nhân tài nội bộ - 40,1%, ứng dụng theo dõi năng suất của nhân viên – 39%...", bà Điêu Hoàng Tú Uyên – Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Nguồn nhân lực của Anphabe cho biết thêm.

Ngoài ra, người lao động Việt đang nhanh chân hơn trong cuộc chơi ứng dụng AI để hỗ trợ công việc, với 36% người lao động thỉnh thoảng sử dụng AI vào công việc và 20% là thường xuyên sử dụng; 77% trong đó sử dụng với tần suất hàng ngày và hàng tuần.
"Nếu ở khía cạnh cá nhân, tôi nhận thấy các nhân sự ở các SMEs và startup Việt Nam sử dụng các ứng dụng GenAI khá nhiều. Ngược lại, nhân sự ở các Tập đoàn đầu ngành hoặc công ty đa quốc gia chưa sử dụng nhiều lắm – có thể là do vấn đề bảo mật và quy trình làm việc ở quy mô này chặt chẽ hơn.
Ở cấp độ doanh nghiệp thì ngược lại; các SMEs và startup ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quan sát – thăm dò; còn các ông lớn hoặc Tập đoàn đầu ngành đã bắt đầu ứng dụng GenAI vào công việc kinh doanh hoặc quản trị", anh Nguyễn Bình Nam – CEO của Opla CRM bổ sung.
Vậy trong tương lai, AI/GenAI có khiến chúng ta thất nghiệp?
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ước tính: đến năm 2025, AI sẽ khiến 85 triệu người mất việc làm nhưng đồng thời cũng tạo ra 97 triệu việc làm mới, đòi hỏi những kỹ năng mới và sự thích nghi từ lực lượng lao động. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo: đến năm 2030, hơn 40% viẹc làm trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI.

"Vậy công cụ AI là bạn hay thù với người lao động? Mặc dù có thái độ đón nhận khá tích cực về AI trong công việc, người lao động tại Việt Nam cũng có những nỗi lo lắng rất rõ ràng về tác dụng phục khi AI giúp họ.
48% người lao động được khảo sát nghĩ rằng 'AI và công nghệ sẽ thay thế nhiều vị trí công việc trong các DN', 41% cho rằng 'AI khiến trách nhiệm công việc của tôi gia tăng hơn trước kia', 30% thấy 'Ai khiến tôi thấy áp lực hơn trong công việc' và 43% chia sẻ 'tôi lo ngại về chất lượng đầu ra khi sử dụng AI'", bà Điêu Hoàng Tú Uyên phân tích.
BE Group là một trong những DN rất tích cực trong việc ứng dụng AI. Tại Hội nghị quốc tế về "Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025", BE Group công bố hợp tác với Aitomatic trong việc thúc đẩy ứng dụng AI vào vận hành Siêu ứng dụng. Aitomatic, một công ty tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) có trụ sở tại Thung lũng Silicon, được sáng lập bởi Tiến sĩ Christopher Nguyễn.
BE đã đầu tư mạnh vào AI và hiện đang ở giai đoạn ứng dụng AI vào toàn bộ hệ sinh thái siêu ứng dụng. BE Group đã dùng AI vào tối ưu vận hành, quản lý sản phẩm – đối tác tài xế…; và sắp tới là cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng/tài xế/đối tác, tương tác chăm sóc khách hàng, tăng trưởng doanh thu…

Bà Vũ Hoàng Yến – CEO BE Group. Ảnh: PetroTimes
"AI/GenAI không làm mất đi việc làm – mà tái định nghĩa cách con người làm việc, giúp nâng cao năng suất và tạo ra nhiều ngành nghề mới. Tại BE, chúng tôi tin rằng sự chuyển đổi công nghệ cần đi kèm với chiến lược đào tạo và tái đào tạo (reskilling) để đảm bảo rằng lực lượng lao động có thể thích ứng với thay đổi.
Ví dụ về chuyện AI tạo ra việc làm mới: Công nghệ AI không chỉ thay thế những công việc lặp đi lặp lại mà còn giúp doanh nghiệp phát triển những ngành nghề mới như kỹ sư AI, chuyên gia dữ liệu, quản lý sản phẩm AI và các công việc sáng tạo khác.
Với BE, AI không phải là một mối đe dọa mà là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi tin rằng: nếu có chiến lược đúng, AI sẽ giúp Việt Nam tạo ra một nền kinh tế số mạnh mẽ, nơi công nghệ hỗ trợ con người thay vì thay thế con người", bà Vũ Hoàng Yến – CEO BE Group nêu quan điểm.
Cũng theo CEO BE Group, một lợi thế tuyệt đối của BE khi chiêu mộ nhân sự AI là quy mô của hoạt động kinh doanh trải dài gần như tất cả lĩnh vực từ giao thông, vận tải, tiêu dùng, dịch vụ…
Hệ thống này tạo ra độ đa biến phức tạp của bài toán kinh doanh hàng ngày, với tập khách hàng 12 triệu khách và hơn 3 triệu khách sử dụng thường xuyên hàng tuần, tháng và liên tục tăng trưởng. Kèm theo đó là số lượng bài toán phức tạp trong vận hành và kinh doanh như chấm điểm, chọn giá hay tìm kiếm địa điểm/bản đồ… là những bài toán thực tế, nhìn thấy hàng ngày với lượng dữ liệu lớn liên tục tích luỹ.
Bản thân những vấn đề của BE Group hấp dẫn và đủ khó để thu hút những nhân sự khao khát giải bài toán thực tế, mang lại hiệu quả nhìn thấy từ trải nghiệm người dùng, kết quả kinh doanh. Theo bà Vũ Hoàng Yến, đây là một khởi điểm quan trọng cho việc thu hút nhân tài thích sự thử thách.

Tính năng "Quét là bán" ứng dụng công nghệ AI của Chợ Tốt.
"Tôi thấy câu hỏi này khá tương đồng với sự ra đời của iPhone và công nghệ smartphone nói chung. Khi iPhone xuất hiện vào năm 2007, nó giúp hàng triệu người sở hữu iPhone có thể chụp được một bức ảnh đẹp - điều mà trước đây chỉ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới làm được. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhiếp ảnh gia mất đi vị thế.
Người dùng vẫn đam mê những bức ảnh được chụp bởi chuyên gia, nhưng đồng thời họ cũng yêu thích và tương tác với vô số hình ảnh được tạo ra bởi những người không chuyên. Trước đây, chỉ có hàng ngàn nhiếp ảnh gia nổi tiếng, còn bây giờ chúng ta có thêm hàng triệu nhà sáng tạo nội dung hình ảnh trên mạng xã hội.
Câu chuyện này phản ánh cách một công nghệ đa năng (general-purpose technology) có thể thay đổi cục diện. Nó có thể thay thế các công nghệ chuyên biệt (single-purpose technology) hoặc trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các chuyên gia. Quan trọng hơn, nó mở ra cơ hội cho hàng triệu người làm được những việc mà trước đây họ không thể, vì rào cản công nghệ hoặc hạn chế về điều kiện tiếp cận.
AI, đặc biệt là Generative AI (GenAI) hay các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cũng mang lại tác động tương tự.
Vậy, AI có lấy đi việc làm không? Câu trả lời của tôi là có. Chắc chắn AI sẽ thay thế hoặc làm giảm giá trị của những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra vô số cơ hội mới - giống như cách nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn sử dụng máy ảnh hiện đại để chụp những bức ảnh chất lượng cao, trong khi người dùng thông thường có thể tận dụng smartphone để sáng tạo nội dung của riêng mình", anh Nguyễn Trọng Tấn - CEO Chợ Tốt bổ sung.
Đầu năm 2025, Chợ Tốt ra mắt tính năng "Quét Là Bán", giúp người dùng đăng bán sản phẩm nhanh chóng hơn nhờ công nghệ AI nhận diện và đề xuất thông tin sản phẩm. Trước đó, tại Google Cloud Summit 2023 Singapore, Chợ Tốt cũng đã trình diễn tính năng ứng dụng GenAI vào đăng bán xe cũ. Ngoài ra, Chợ Tốt cũng cũng chính thức ra mắt thêm dịch vụ Việc Làm Tốt vào năm ngoái.

Anh Nguyễn Bình Nam – CEO của Opla CRM
Đồng quan điểm, theo CEO Opla CRM, thì anh chưa thấy nhân sự nào mất việc vì AI hay GenAI cả; còn tương lai không biết ra sao. Nhưng theo suy đoán của anh, thì 'GenAI giống như 1 con ngựa – hỗ trợ con người đi nhanh hơn chứ không thể thay thế con người' trong tương lai.
"Thực tế là AI không chỉ đang thay thế các công việc cơ bản — nó đang tiến thẳng vào vị trí senior và thậm chí 'xoá sổ' luôn cả vai trò của một ông/bà sếp như chúng ta từng biết.
Và tôi không cho rằng, AI sẽ sinh ra nhiều việc làm mới có thể bù được những việc làm cũ đã mất bởi nó. Thực tế là AI không sinh ra nhiều việc làm mới mà nó nâng hiệu suất để giảm số người cần thiết.
Ví dụ: Klarna, một fintech lớn tại châu Âu, đã cắt giảm từ 5.000 còn 3.800 người sau khi tích hợp AI, dự kiến tiếp tục về 2.000 người. Trong khi đó doanh thu tăng 27%, lợi nhuận gộp tăng 22% chỉ sau nửa đầu 2024. Startup Ấn Độ Dukaan thay 90% bộ phận CSKH bằng AI, tiết kiệm 85% chi phí. Đây là một xu hướng toàn cầu: doanh thu tăng, quy mô nhân sự giảm!
Trong tương lai gần, có thể doanh nghiệp 1 người doanh thu tỷ đô không còn là chuyện viễn tưởng", CTO Gianty Việt Nam – Trịnh Nguyễn Thiên Phước bày tỏ.
Anh Trịnh Nguyễn Thiên Phước đã trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau ở các công ty công nghệ trong gần 20 năm và anh cũng từng là CEO của Filum AI.