Tài chính

Doanh nghiệp Thái "hái ra tiền" thế nào khi đầu tư ở Việt Nam?

Việt Nam được đánh giá là môi trường kinh doanh đầy triển vọng. Cùng bởi vậy mà trong 10 năm vừa qua, các tập đoàn Thái Lan liên tục vào Việt Nam thâu tóm, đầu tư kinh doanh thông qua mua bán cổ phần các doanh nghiệp Việt với khẩu vị chủ yếu là lĩnh vực tiêu dùng, năng lượng, nông nghiệp...

Hàng loạt thương hiệu về tay người Thái sau khi bị thâu tóm như chuỗi siêu thị Big C, Nguyễn Kim, Sabeco, Nhựa Bình Minh...

Mới đây Central Retail Corporation (CRC) cũng vừa công bố khoản đầu tư 50 tỷ bath (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2027 vào thị trường Việt cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng tương lai.

Doanh nghiệp Thái 'hái ra tiền' thế nào khi đầu tư ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Đại gia Thái nhận cổ tức vài nghìn tỷ đồng từ Sabeco (ảnh minh họa).

Trên thực tế, nhiều đại gia Thái Lan đều đang hái quả ngọt sau khi rót tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Việt thời gian qua.

Thương vụ ThaiBev mua lại Sabeco sau khi Bộ Công Thương thoái vốn cuối năm 2017 là một trong những thương vụ nổi bật của nhóm doanh nghiệp Thái thập kỷ qua.

Cụ thể, ThaiBev thông qua công ty con là Vietnam Beverage đã chi ra gần 5 tỷ USD để nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam. Về tay ThaiBev, Sabeco vẫn tiếp tục tăng trưởng và hàng năm chi trả cổ tức đều đặn với mức cao, kể cả trong 2 năm bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.

Riêng trong năm 2022, SAB đã trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 35%, tổng số tiền chi trả là 2.244 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, SAB tiếp tục quyết định chi trả bổ sung cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, dự kiến trả vào tháng 7 tới đây. Như vậy tỷ lệ lệ chia cổ tức năm 2022 lên đến 50%.

Với việc đang sở hữu hơn 343 triệu cổ phần SAB (53,59% vốn) thì Vietnam Beverage sẽ nhận tổng cộng hơn 1.718 tỷ đồng tiền cổ tức. Theo kế hoạch, 35% sẽ là tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2023 của Sabeco.

Tương tự, Tập đoàn SCG đã thâu tóm thành công Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) sau khi Nhà nước thoái vốn vào năm 2018 thông qua công ty thành viên là The Nawaplastic Industries. Hiện Nawaplastic sở hữu trực tiếp hơn 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 54,99% vốn cổ phần.

BMP liên tục chia gần hết lợi nhuận sau thuế năm chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2021, tỷ lệ này là 99,3%, năm 2022 là khoảng 99%.

Năm 2022, BMP đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với mức 3.100 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị đã chia là 253 tỷ đồng. Đợt 2 dự kiến chi trả 5.300 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền mặt dùng để chi trả cổ tức năm 2022 là 687 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu là 54,99%, Nawaplastic dự kiến nhận được 373 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm nay cũng đã thông qua chính sách cổ tức cho năm 2023 tối thiểu là 50% trên lợi nhuận sau thuế.

Ngoài các tên tuổi trên, các doanh nghiệp Thái cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp khác như FMC, NNG, SVI, tuy nhiên do quy mô chưa quá lớn nên giá trị tiền nhận về từ cổ tức vẫn còn đang khiêm tốn.

Ví dụ như CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI). SCG cũng là thế lực đứng sau TCG Solutions Pte.Ltd - cổ đông chi phối SVI. TCG Solutions thuộc quản lý của Thai Containers Group Co., Ltd - Công ty thành viên Tập đoàn SCG đã mua thành công và sở hữu hơn 94% vốn điều lệ của SVI vào cuối năm 2020.

Tháng 6/2023 tới, SVI sẽ chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 23,4%. Như vậy, công ty mẹ TCG Solutions sẽ nhận được 28 tỷ đồng. Hiện tại, SCG Group có hơn 24 công ty thành viên tại Việt Nam trong các lĩnh vực như Hóa dầu, Bao bì và Xi măng - Vật liệu xây dựng.

Một doanh nghiệp ngành nhựa khác là Công ty Cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa (NNG) cũng mới bị người Thái thâu tóm giữa năm 2022.

Cụ thể, Indorama Netherlands B.V - thành viên của nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới Indorama Ventures (Thái Lan) đã mua hơn 79 triệu cổ phiếu NNG để sở hữu hơn 97,8% vốn công ty nhựa này. Tuy nhiên NNG đã nhiều năm qua chưa chia cổ tức, vẫn chưa rõ sự có mặt của ông lớn người Thái có làm thay đổi thông lệ này hay không…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm