Masan MEATLife (MML) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu 1.008 tỷ đồng, giảm hơn 82% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về lợi nhuận gộp 54 tỷ đồng, cùng kỳ lãi đến 638 tỷ.
Theo Công ty, doanh thu giảm mạnh do không còn ghi nhận số từ mảng chăn nuôi.
Về hoạt động tài chính, doanh thu cũng giảm mạnh trong khi chi phí tài chính duy trì ở mức cao (trăm tỷ đồng). Khấu trừ các chi phí, MML báo lỗ ròng 182,5 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu MML giảm 82% so với nửa đầu năm ngoái. Tương ứng, Công ty lãi 91 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm 68,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, sau khi không còn mảng chăn nuôi, doanh thu lợi nhuận MML hiện hoàn toàn đến từ mảng thịt. Chi phí quản lý và hoạt động dù giảm tuy nhiên vẫn ở mức cao khiến Công ty thua lỗ trong quý 2/2022.
Lên kế hoạch cho nửa cuối năm, MML chủ trương mở rộng mạng lưới phân phối ngoài hệ thống WCM và phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng thuộc hệ thống WCM.
Cũng bị "ăn mòn" bởi giá thức ăn tăng mạnh, Dabaco (DBC) khép lại quý 2/2022 với lợi nhuận giảm 93% còn 215 tỷ đồng, dù doanh thu có tăng trưởng. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần DBC đạt 5.772 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Song, lợi nhuận ròng của Dabaco sụt giảm 96% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận giá trị gần 23 tỷ đồng.
Theo giải trình, DBC phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị phức tạp trên thế giới đã gây biến động lớn tới giá cả nguyên vật liệu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Mặt khác, công ty lý giải rằng chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán các sản phẩm thời điểm đầu quý 2 không tăng đáng kể, Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị chăn nuôi giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh chung của Tập đoàn.
Ngược lại, nhờ tự chủ được nguồn thức ăn với việc tận dụng chuối thải cho khoảng 40% đầu vào, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) tiếp tục tăng nguồn thu từ mảng heo với 439 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm. Được biết, Công ty đã xuất ra thị trường hơn 82.000 con heo thịt và gần 110.000 tấn cây ăn trái, trong đó chuối xuất khẩu đạt hơn 81.000 tấn, chuối còn lại dùng làm thức ăn gia súc.
Khấu trừ chi phí, Công ty báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 531 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh năm 2022 là 4.800 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, HAGL thực hiện được lần lượt 39% chỉ tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận.
Nhìn chung, dù giá bán có tăng mạnh thời gian gần đây, song chi phí thức ăn tăng cùng với rủi ro về dịch bệnh vẫn là thách thức lớn cho người trong ngành.
Ghi nhận về giá heo, chỉ trong vòng 3 tuần đầu tháng 7/2022, giá heo hơi tại vùng ÐBSCL và nhiều địa phương trong nước đã tăng tổng cộng khoảng 15.000-20.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022. Thậm chí, giá heo hơi có lúc được hộ chăn nuôi heo bán cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 65.000-70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến ngày 25 và 26/7, giá heo hơi đã giảm còn trên dưới 65.000 đồng/kg trước thông tin Chính phủ tăng cường các giải pháp nhằm bình ổn giá, cũng như do người dân và các doanh nghiệp chăn nuôi tăng lượng heo bán ra. Dù vậy, giá heo hơi vẫn đang cao hơn khoảng 15.000-16.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022.
Không chỉ doanh nghiệp, giá thành nuôi heo tăng cao nên người chăn nuôi heo theo giới quan sát dù có lãi trở lại nhưng vẫn chưa nhiều, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và phải nuôi heo dựa hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp với giá cao.
Hiện, giá nguyên liệu đã có xu hướng giảm, nhiều quan điểm kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý 4 năm nay. Tương ứng, chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ còn tăng dần, các công ty chăn nuôi theo đó sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.