Doanh nghiệp khát vốn, nhiều dự án đình trệ
Tiếp tục phiên thảo luận của Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) nhấn mạnh từ nay đến cuối năm và năm 2023, còn có rất nhiều thách thức đặt ra với nền kinh tế, Việt Nam cần giảm áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất trong thời gian tới bằng cách tạo nguồn thu và giảm chi ngoại hối.
Đại biểu cho rằng cần đưa các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, công nghiệp chế biến chế tạo vào diện hỗ trợ tiếp cận tín dụng, giảm, giãn thuế, đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích doanh nghiệp tập trung xuất khẩu, tăng nguồn thu.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, cần khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường bằng cách sử dụng nhiều ngoại tệ khác nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều vào USD, giảm áp lực lên tỷ giá.
Đại biểu đến từ TP HCM cũng nêu quan điểm cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định tỷ giá, tránh cú sốc ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần ước lượng được tổng giá trị giao dịch bình quân, nhu cầu tín dụng, nhu cầu giao dịch trong nền kinh tế để có giải pháp điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông.
Cũng đề cập đến doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho biết về khơi thông dòng vốn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã có chủ trương đưa ra gói kích thích để hỗ trợ phục hồi sau dịch.
Quốc hội cũng cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước trong năm 2022- 2023 ở mức 1-1,2%, tối đa là 240.000 tỷ đồng, riêng năm 2022 tăng 1,1 %, tương đương 102.800 tỷ đồng. Đó là khoản tiền lớn đưa vào nền kinh tế.
Ông Hùng cho biết mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước là 14%. Đây được đánh giá mức cao so với các nước trung khu vực, trung bình 8-10%. Ngoài ra, chúng ta giữ được chỉ số lạm phát dự báo ở khoảng 3,67-3,87% (thấp hơn mức 4% đề ra).
Vì vậy các nhà đầu tư kỳ vọng nguồn vốn trên thị thường sẽ dồi dào và dễ tiếp cận hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn dể triển khai nhanh hơn.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng thực tế doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án bị đình trệ do không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố FLC và Tân Hoàng Minh.
Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế, không làm gãy đà tăng trưởng từ đầu năm, ông Hùng đề xuất nhiều giải pháp như cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn vào các ngành sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững, tránh việc cung tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần có sự chia sẻ với nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng các nâng cao năng lực quản trị, cắt giảm chi phí, ổn định lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 43 và sớm phục hồi trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Cần giám sát lãi suất đầu ra, không hạn chế doanh nghiệp tiếp cận vốn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) cũng nêu phản ánh của nhiều doanh nghiệp hiện nay là khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Đại biểu cho rằng những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Đại biểu Trung kiến nghị việc tăng lãi suất cơ bản là cần thiết, nhưng Chính phủ cần giám sát lãi suất đầu ra để không hạn chế việc các thành phần kinh tế tiếp cận vốn.
Ngoài ra, cần có kịch bản chủ động trong việc điều hành lãi suất, để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và kiểm soát lạm phát.
Một vấn đề quan trọng khác nữa là cần thực hiện hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% và trong khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, Chính phủ cần quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án cơ sở hạ tầng.
Để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản.
Theo ông Trung, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN là cần thiết. Ngoài ra, NHNN cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát. Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng lưu ý cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Đồng thời, khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách vay tài khóa quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng.