Doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI: Thủ tục hành chính vẫn cản trở tốc độ dự án

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với các nhà đầu tư nước ngoài sáng 16/10. Đây là lần gặp thứ hai trong năm nay, sau hội nghị hồi tháng 4, nhằm khẳng định sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Tại hội nghị, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho biết việc Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho quan hệ thương mại song phương. Theo ông, động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên tăng lên sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ.

Chủ tịch AmCham phát biểu tại Hội nghị ngày 16/10. Ảnh: VGP

Chủ tịch AmCham phát biểu tại Hội nghị ngày 16/10. Ảnh: VGP

Những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng được các doanh nghiệp FDI ghi nhận. Tuy nhiên, ông John Rockhold lưu ý, các doanh nghiệp FDI nói chung vẫn thấy "quy trình phê duyệt còn chậm, thủ tục hành chính còn mất thời gian". Điều này đã gây cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án, đồng thời tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

"Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, tránh tạo thêm gánh nặng hành chính", ông nói.

Tương tự, ông Gaur Dattatreya, CEO Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies, nói sự thay đổi liên tục để hoàn thiện cơ chế tại Việt Nam kết hợp với sự chồng chéo trách nhiệm, thẩm quyền có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, nhất quán trong các chính sách, quyết định của Chính phủ.

"Điều này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, quy định nhập khẩu, cấp phép, với những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi với cộng đồng doanh nghiệp", ông cho biết. Với tư cách là một nhà đầu tư, đối tác lâu năm, ông nói Bosch rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ để làm rõ và giải quyết triệt để những vấn đề đó.

Ông David Whitehead, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Australia (Auscham), cũng đồng tình khi cho rằng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam cần có điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép. Các quy định về sử dụng đất, ưu đãi thuế, cấp giấy phép lao động cần được quy định rõ ràng, lược bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết.

"Điều này sẽ giúp thu hút FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, chip", ông David Whitehead nhận xét.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất Việt Nam cần tập trung thêm vào phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho các dự án FDI chất lượng cao tới đây; đẩy mạnh về hạ tầng, logistics; tiếp tục thúc đẩy kinh tế xanh; sớm có hành động, thông tin cụ thể liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP

Lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam sau đó đã giải đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp FDI. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ vừa qua đã dành thời gian để sửa Nghị định về quản lý, sử dụng nhân lực nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, nhiều nội dung mới đã được đặt ra như giảm triệt để điều kiện, tiêu chí cho chuyên gia, người quản lý, lao động kỹ thuật vào Việt Nam ở mức độ thấp nhất có thể (trừ điều kiện, nội dung mà Việt Nam đã cam kết với ASEAN không thể thay đổi được). Với nhóm Giám đốc điều hành, trưởng các phòng, ban... được cấp giấy phép lao động. Trường hợp đã được cấp giấy phép trước đây như từ chuyên gia chuyển sang lao động kỹ thuật không phải cấp lại. Thời gian nộp giải trình nhu cầu cũng được giảm (từ 30 ngày xuống chỉ còn tối đa là 15 ngày). Các thủ tục cũng được thực hiện online.

Còn Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân dẫn những cải tách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thuê, sử dụng đất. Đơn cử, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề cập đến việc các nhà đầu tư khi hết thời hạn sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích của quy hoạch. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Các vấn đề về thanh khoản, tỷ giá, cũng được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cam kết giữ ổn định. Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, ông Hà cho biết, cơ quan này đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. "Các nhà đầu tư ngoại có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém", ông nói.

Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 cam kết với nhà đầu tư. Ông nói, sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào. Chính phủ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Việt Nam không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tuy nhiên, sẽ xử lý những người làm sai để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Ông khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, có tính cạnh tranh để doanh nghiệp ngoại yên tâm đầu tư lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Các cơ quan chức năng cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Ông cũng yêu cầu lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, đồng hành, có biện pháp xử lý hiệu quả.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm